Gặt ngọn

Với những người quan tâm đến môn cầu lông của Việt Nam, có lẽ thi thoảng đâu đó đọc được thông tin về ước mơ mở một học viện cầu lông mang tên mình của tay vợt từng xếp hạng 5 thế giới Nguyễn Tiến Minh. Thế nhưng hôm rồi, ngôi sao đã 34 tuổi này vẫn là niềm hy vọng duy nhất của cầu lông Việt Nam ở giải cầu lông đồng đội châu Á được tổ chức ngay trên sân nhà. Và tất nhiên, cái sự nghiệp tìm kiếm những “tiểu Tiến Minh” mới cũng chưa thể được nhắc đến.

Nguyễn Tiến Minh - tay vợt cầu lông số 1 Việt Nam

Tiến Minh vẫn ra sân thi đấu ở nội dung đồng đội đầu tiên là do cho đến tận bây giờ, cũng chẳng có VĐV Việt Nam nào chơi tốt hơn anh. Tuy nhiên, cái chính là người ta vẫn muốn anh ra sân để “lấy hình ảnh”  dù 3 tháng qua không hề thi đấu. Lẽ ra, vị trí của Tiến Minh nên là bên ngoài sân, trong vai trò chỉ đạo hay huấn luyện thì hợp lý hơn. Sự có mặt của anh trên sân đấu hầu như không đóng góp được gì ở một giải đấu quy tụ nhiều tay vợt mạnh nhất thế giới, mà chỉ làm mất thêm thời gian, trong khi Tiến Minh có thể làm phần việc khác tốt hơn.

Cũng chỉ vài ngày trước, đội tuyển quần vợt đồng đội Việt Nam thất bại nặng nề ở Davis Cup nhóm 2 khu vực châu Á - Thái Bình Dương với nguyên nhân được nhiều chuyên gia chỉ ra là đã vắt kiệt sức của 2 tay vợt hàng đầu Lý Hoàng Nam -Nguyễn Hoàng Thiên. Đội tuyển có 4 VĐV nhưng chỉ bộ đôi này thi đấu và sức lực không cho phép họ hoàn thành nhiệm vụ. Sự kiện này khiến chúng tôi nhớ lại việc Lý Hoàng Nam từng bị kỷ luật, rồi giữa Liên đoàn Quần vợt Việt Nam và cơ quan chủ quản của tay vợt này bất đồng về việc để Hoàng Nam làm nghĩa vụ quốc gia. Các tay vợt chuyên nghiệp thường được ưu tiên phát triển sự nghiệp cá nhân, nhưng tại Việt Nam, dù có đủ lý do chính đáng để không tập trung đội tuyển vẫn bị xem là “vô kỷ luật”. Trong khi đó, ở các nội dung đồng đội, sự góp mặt của một cá nhân không tác động quá lớn đến thành tích chung, ngoại trừ các tuyển thủ có cùng trình độ như nhau.

Thể thao Việt Nam cho đến tận bây giờ vẫn còn thói quen “tận gặt”, tức là khai thác triệt để các VĐV nổi bật thay vì tính đường dài cho phong trào chung. Nguyễn Tiến Minh nổi lên từ 10 năm trước nhưng cho đến nay, liệu cầu lông đỉnh cao của Việt Nam đã tiến được bao xa? Hệ thống đào tạo đã phát triển ra sao? Tại sao một học viện cầu lông không quá lớn về kinh phí vẫn không thể được hình thành trong quãng thời gian mà nguồn cảm hứng đến từ Tiến Minh vẫn còn? Điều đáng nói là những môn như cầu lông lại phù hợp với thể chất của người Việt, thế nhưng một cơ hội lớn như vậy cũng đã vụt qua để rồi ở tuổi làm HLV, Nguyễn Tiến Minh vẫn ra sân thi đấu.

Nói công bằng, cũng đã có sự thay đổi về tư duy của các nhà quản lý đối với việc sử dụng như tài năng thể thao. Đơn cử như kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên cũng tham gia một số sự kiện khuyến khích phát triển môn bơi lội mỗi khi về nước. Hoặc như lứa U.19 của Học viện HA.GL cũng được “lăng - xê” nhằm cổ vũ công tác đào tạo chuyên nghiệp. Thế nhưng, cái tâm lý “gặt ngọn” hoặc mô hình “nuôi gà chọi” thì  vẫn còn nguyên khi mà “bệnh thành tích” vẫn tồn tại ở thể thao đỉnh cao Việt Nam.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục