Đã đến lúc để kỳ vọng?

Việc từ chức của ông TTK Trần Quốc Tuấn phần nào nói lên rằng, ít ra tại VFF cũng đã có người nhận trách nhiệm, nghĩa là có người nghĩ khác so với phần còn lại. Rồi việc Hội đồng HLV đồng ý sa thải ông F.Goetz và đề nghị dùng HLV nội cũng là cách giúp VFF thoát ra khỏi tình cảnh bế tắc hiện tại. Vậy, đã đến lúc để kỳ vọng vào một sự thay đổi?
Đã đến lúc để kỳ vọng?

Việc từ chức của ông TTK Trần Quốc Tuấn phần nào nói lên rằng, ít ra tại VFF cũng đã có người nhận trách nhiệm, nghĩa là có người nghĩ khác so với phần còn lại. Rồi việc Hội đồng HLV đồng ý sa thải ông F.Goetz và đề nghị dùng HLV nội cũng là cách giúp VFF thoát ra khỏi tình cảnh bế tắc hiện tại. Vậy, đã đến lúc để kỳ vọng vào một sự thay đổi?

Chia tay HLV F.Goetz và TTK Trần Quốc Tuấn (phải), bóng đá Việt Nam đang kỳ vọng vào một sự thay đổi. Ảnh: Dũng Phương

Chia tay HLV F.Goetz và TTK Trần Quốc Tuấn (phải), bóng đá Việt Nam đang kỳ vọng vào một sự thay đổi. Ảnh: Dũng Phương

Chuyện ông Tuấn từ chức, nên gác sang một bên. Nói đúng hơn, sự từ chức của ông nếu chưa làm thay đổi được gì tại VFF thì cũng chẳng có gì mà vui cả. Ai ngồi vào ghế đó mà bộ máy VFF vẫn như cũ, thì trước sau gì cũng sẽ ra đi theo kiểu của ông Tuấn.

Chúng tôi vẫn cho rằng, điều VFF cần không chỉ là chuyện nhân sự mà là vấn đề của cả một bộ máy, đặc biệt trong hoàn cảnh nhiều thay đổi như hiện nay. Ông Tuấn ra đi chỉ để “cứu” những chỗ ngồi khác thì sẽ không ổn chút nào.

Kiểu như chuyện của Hội đồng HLV quốc gia vậy. Về lý thuyết, họ là một cơ quan độc lập có quyền lực rất lớn về vấn đề chuyên môn, nhưng nói như các thành viên của Hội đồng này, thì VFF không hề tạo cơ hội cho họ làm việc. Đáng tiếc hơn, dù là thế nhưng chính Hội đồng cũng chẳng lên tiếng đòi quyền lực cho mình. Cách làm việc ấy dẫn đến việc HLV F.Goetz không được giám sát và đó là nguồn gốc của thất bại tại SEA Games 26.

Không khó để nhận thấy, VFF đang làm việc rất cảm tính, thiếu khoa học mặc dù họ chẳng thiếu các hệ thống ban, phòng chức năng. Rốt cuộc, mọi trách nhiệm đều đổ lên đầu ông TTK và HLV F.Goetz dù trên nguyên tắc, cả 2 ông đều bị giám sát bởi những cơ quan khác của VFF. Trên nữa là Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ.

Ông Tuấn đi. Ông Goetz cũng sẽ đi. Người ta vội vã tìm người thay thế. Nhưng có cần phải vội đến thế không?

o0o

Việc thống nhất chọn HLV nội là một chuyển biến mang tính lịch sử. Hơn 15 năm qua, các ông thầy ngoại là lựa chọn duy nhất. VFF thì than thở rằng HLV nội không ai đủ dũng cảm để nhận trách nhiệm. Nhưng cũng có thể thấy, bản thân họ cũng chẳng dũng cảm để quyết định. Nói gì thì nói, chính VFF phải chịu trách nhiệm về chuyện này. Họ chưa tin HLV nội thì làm sao có thể tạo điều kiện để người được chọn làm việc.

Nói đâu xa, hồi đầu năm, dù dư luận đã ủng hộ việc dùng HLV nội, nhưng chính VFF chọn F.Goetz, thậm chí là trả lương cao, để mưu cầu thành tích, bất chấp thực trạng của nền bóng đá. Một cơ hội để VFF thay đổi chính mình bị bỏ lỡ và đáng tiếc là sau thất bại tại SEA Games 26, họ tiếp tục bỏ lỡ một cơ hội khác khi né tránh trách nhiệm của mình trong trường hợp của ông Goetz.

Như đã nói trên, sự ra đi của ông Tuấn, ông Goetz sẽ chẳng có ý nghĩa nào cả nếu họ ra đi chỉ vì để bảo vệ cho những chiếc ghế còn ở lại. Nếu như sự ra đi ấy là một phần trong lộ trình thay đổi suy nghĩ của VFF thì mới đáng quý. Khi ấy, người ta tin rằng VFF sẽ tiếp tục dám nhận trách nhiệm và dám thay đổi. Khi ấy, mới có cái để mà kỳ vọng.

Ngẫm cho cùng, giờ mà có tìm người thay ông Tuấn hay chọn HLV nội thì cũng chỉ mới là “lấp vào chỗ trống”.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục