Ai sai?

Trong suốt quá trình chuẩn bị AFF Cup 2016, cũng gần như ngay từ khi bóng đá Việt Nam thay đổi huấn luyện viên trưởng sau thời HLV Miura, chúng tôi đặt vấn đề ai sẽ chịu trách nhiệm về những quyết định không thật sự phù hợp này. Sau trận thua khó hiểu nhất lịch sử bóng đá Việt Nam ở trận lượt về AFF Cup với Indonesia vừa qua, không ít ý kiến quy trách nhiệm cho HLV Hữu Thắng, thậm chí còn đề nghị ông nên từ chức. Riêng với HLV Hữu Thắng, ông cũng nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình và xin lỗi người hâm mộ thay cho các cầu thủ. Nhưng như chúng tôi đã từng nói, trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).

HLV Miura là một lựa chọn mang tính đột phá khi bộ máy mới của VFF có những bước đi quyết đoán trong việc định hướng phát triển nền bóng đá Việt Nam. Ngay khi đó, bóng đá Nhật Bản được chọn là mô hình để chúng ta học hỏi; và việc hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm và nhân sự lẫn nhau là điều đương nhiên. HLV Miura ngay từ đầu đã để lại ấn tượng tốt đẹp về cách làm rất chuyên nghiệp và hiệu quả. Ông đã xây dựng lại gần như từ đầu lứa cầu thủ tốt nhất của đội tuyển hiện nay bằng việc tìm hiểu, ghi nhận quá trình thi đấu cùng với áp dụng những phương pháp khoa học trong thể thao. Nhờ đó, đội tuyển Việt Nam và lứa U.23 đã dần trở lại. Lối đá của đội tuyển đã hình thành một phong cách riêng rất hiệu quả, và đặc biệt là nền tảng thể lực cầu thủ được vực lên từ đó.

Nhưng cũng chính vì làm việc công tâm, khoa học, lấy hiệu quả làm đầu, HLV Miura cũng không được lòng một vài người qua việc không gọi và không đưa một số cầu thủ “con cưng” lúc bấy giờ vào đội hình. Những Công Phượng, Tuấn Anh khi đó được ông chú ý nhưng ông cho rằng họ chưa đủ chín, cần rèn thêm để chín muồi hơn. Cũng từ đây, luồng thông tin phản ứng bắt đầu nhắm vào ông huấn luyện viên vốn mới trước đó được khen ngợi hết lời. Một lãnh đạo VFF đã công kích Miura ngay trong một cuộc họp cũng như đẩy dư luận lên đỉnh điểm để rồi sau đó VFF phải bỏ phiếu sa thải ông Miura trong khi vị huấn luyện viên này đang có tiến trình rất tốt cho đội tuyển. Nguyên tắc bất di bất dịch trong trong đá là giao quyền tuyển chọn, sử dụng cầu thủ cho huấn luyện viên, nhưng khi HLV Miura làm theo quyền của mình thì bị “đánh” tơi bời. Một lãnh đạo VFF lúc đó còn lên tiếng cho rằng đội tuyển là của chung chứ không phải của ông Miura muốn làm gì làm. Ai cũng biết khi đó, ý kiến của vị lãnh đạo này là vì học trò của mình chưa được sử dụng chứ nào vì cái chung.

Thế nhưng, thay vì mạnh mẽ và quyết đoán như lúc đầu, VFF lại “mềm nhũn” trước áp lực trên. Dù có những phiếu không đồng tình với việc sa thải, nhưng do chỉ là thiểu số nên kết quả HLV Miura phải ra đi. Chọn huấn luyện viên nội, chưa bàn về khả năng đến đâu, cũng cho thấy VFF phản bội ngay chính mình, đó là chọn bóng đá Nhật Bản để hợp tác phát triển. Trong lộ trình phát triển của mình và nhất là giai đoạn cần thiết nhất hiện nay, việc sử dụng huấn luyện ngoại là phù hợp nhất bởi hội đủ những yếu tố cần thiết về phương pháp huấn luyện cũng như định hình chiến thuật. Thực hiện chưa bao lâu và đã có được những kết quả ban đầu, tiếc là những cá nhân tích cực ở VFF không đủ mạnh mẽ để vượt qua áp lực. Thất bại quá ê chề ở AFF Cup 2016 là kết quả của những quyết định không hợp lý đó của VFF. Vì vậy, cái cần nhất bây giờ là những lãnh đạo tích cực và sáng suốt của VFF ngồi lại để chọn con đường nào, nếu cần thay đổi hay không là ở VFF chứ không phải ở HLV Hữu Thắng nữa.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục