1. Bài này được viết ngay sau trận tuyển Việt Nam thủ hòa tuyển CHDCND Triều Tiên 10 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, chỉ với trận ra mắt ở Cúp T&T, tuyển Việt Nam đã có cơ hội trình bày khá rõ diện mạo của chính mình trong tương lai. Có lẽ đội hình đội tuyển trong trận đối đầu với đối thủ mạnh đến từ vùng Đông Bắc Á đã vượt qua ý nghĩa thử nghiệm, vì thử nghiệm trước một đối thủ hàng đầu châu lục và hơn mình tới gần 60 bậc trên bảng xếp hạng của FIFA thì chẳng có thu hoạch gì đáng kể. Hơn nữa, có lẽ ông Calisto cũng không còn nhiều thời gian để xáo trộn đội hình nữa, khi mà Cúp vô địch Đông Nam Á đã gần kề. Bây giờ là lúc phải xác định đội hình chính thức để các vị trí có thời gian làm quen với nhau, cũng như làm quen với vai trò của mình.

Trận Việt Nam – CHDCND Triều Tiên: Đông Nam Á đối đầu Đông Bắc Á. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
2. Với đội hình được xem là mạnh nhất trong thời điểm hiện tại, tuyển Việt Nam đã chơi một trận có lẽ là hay nhất của mình, tính từ ngày ông Calisto ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng lần thứ hai.
Dĩ nhiên, hai ngôi sáng nhất của Việt Nam trong trận này vẫn là Dương Hồng Sơn và Thành Lương. Dương Hồng Sơn vẫn phản xạ thần tốc như trong trận gặp tuyển Singapore, và một lần nữa anh đóng vai “siêu nhân” không chỉ một lần. Thành Lương vẫn lắt léo, xông xáo và là mũi xuyên phá hiệu quả nhất của đội tuyển. Vũ Phong trở lại tuyển sau một thời gian dài, không thể hiện được nhiều ngoài một cú sút xa đúng “thương hiệu” mà anh đã “đăng ký bản quyền” từ lúc chơi cho đội Olympic Việt Nam vào năm ngoái. Nhưng so với Tấn Tài, Vũ Phong chơi ít rườm rà hơn. Và nếu anh thể hiện được mình như khi tranh tài đi Olympic Bắc Kinh thì cánh phải của đội tuyển chắc chắn sẽ mạnh lên.
3. Tôi nghĩ rằng ngoài thủ môn, cặp trung vệ Minh Đức - Phước Tứ đã chơi tốt, cả trong bọc lót lẫn cản phá. Việc tuyển Việt Nam không để thủng lưới trước hai đội mạnh lần lượt là Singapore và CHDCND Triều Tiên đã cho thấy hiệu quả ở khu vực này. Ở bên cánh trái, Quang Thanh đã tìm lại được những cú đột phá dũng mãnh anh từng thể hiện ở Asian Cup 2007, nhưng đôi khi lại không kịp lùi về, làm xuất hiện một khoảng trống mênh mông ở phía sau lưng. Đoàn Việt Cường cũng rất nỗ lực dù sở hữu khá nhiều đường chuyền hỏng. Nhưng chuyền hỏng không chỉ có Việt Cường. Nửa cuối hiệp hai, khi Triều Tiên gây sức ép mạnh, đôi chân của rất nhiều tuyển thủ đã không còn giữ được độ chính xác, kể cả người chơi khá điềm tĩnh là đội trưởng Tài Em.
4. Trên hàng công, sau hiệp 1 nhiều lần khoan thủng hàng thủ chắc chắn của đối phương thì sang hiệp 2 tuyển Việt Nam đã không còn nhiều cơ hội tái lập những miếng đánh sắc sảo đó nữa. Rất nhiều lần, các cầu thủ Việt Nam lên bóng rất nhanh ở giữa sân, nhưng thay vì tung ra những đường chuyền sắc bén để đồng đội chớp thời cơ thì các cầu thủ lại ghìm bóng lại, chuyền ngang hoặc chuyền về như muốn “nhử” cho đối phương lùi hết về án ngữ trước cầu môn để có dịp thực tập bài “nghệ thuật khoan cắt bê tông trong bóng đá”, và dĩ nhiên chúng ta không “khoan” cũng không “cắt” được một lỗ thủng nào trên bức tường phòng ngự dày đặc của đối phương. Đó chính là vấn nạn của hàng công, là bài toán mà qua đến trận thứ 8 rồi ông Calisto vẫn chưa tìm ra lời giải ưng ý. Trong khi tuyến phòng ngự càng ngày càng ăn ý thì tuyến tấn công vẫn cứ rời ra như những viên gạch chưa tìm được loại hồ thích hợp. Khi các cầu thủ tấn công chưa học được cách di chuyển tối ưu, không biết chuyền bóng vào đâu thì tốc độ chiến thuật bị kềm hãm, yếu tố bất ngờ vì thế cũng biến mất.
Tóm lại, cái thiếu của hàng công lúc này là tính sáng tạo - là phẩm chất nền tảng của mọi phát minh, kể cả phát minh ra chiến thắng trong bóng đá.
5. Điều đó rất đáng lo lắng, nhưng cũng phải thấy rằng đội tuyển của ông Calisto cũng đã bỏ lỡ không ít cơ hội ghi bàn trong trận đụng độ Triều Tiên. Công Vinh một lần sút trượt ngay trong vòng cấm địa, Quang Hải cũng một lần sút trượt sau cú bấm bóng của Minh Phương, chỉ cách khung thành chừng 5 mét. Bảo Khanh một lần vấp té khi đón đường chuyền dọn cỗ của Việt Thắng. Rồi tới Việt Thắng cũng một lần vào hụt bóng trước đường chuyền chéo ngon lành của Thành Lương và thêm một lần đệm bóng trúng xà ngang đội bạn.
Liệt kê những cú “làm bàn hụt” đó ra để tiếc nuối, nhưng quan trọng hơn để tin rằng các miếng tấn công của đội tuyển trong nhiều thời điểm vẫn phát huy hiệu quả, chỉ có điều các tiền đạo cứ liên tục bỏ lỡ, kể từ trận gặp Myanmar ở Cúp TPHCM là trận mà chúng ta phung phí cơ hội nhiều nhất. Bỏ lỡ cơ hội là sai lầm cá nhân, còn tạo ra nhiều cơ hội đến thế là thành công của đấu pháp.
Chúng ta hãy tin như vậy để hy vọng từ nay đến ngày khai mạc Cúp Đông Nam Á, đội tuyển của ông Calisto sẽ dần hoàn thiện hơn. Bởi từ Cúp TPHCM đến trận gặp Singapore rồi đến trận gặp Triều Tiên vừa rồi, có thể nhận ra đội tuyển Việt Nam đang khởi sắc dần, tuy chậm nhưng rõ ràng đang hướng về phía trước...
Chu Đình Ngạn