Thông tư Quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao được lấy ý kiến trước khi ban hành

Bộ VH-TT-DL đã xây dựng Dự thảo Thông tư Quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao và đang lấy ý kiến đóng góp tới hết ngày 13-2-2024.

Ngành thể thao đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư Quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao. Ảnh: MINH MINH
Ngành thể thao đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư Quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao. Ảnh: MINH MINH

Dự thảo Thông tư Quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao đã được xây dựng với 6 chương 25 điều quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao. Các nội dung của Thông tư gồm Giáo dục, truyền thông về phòng, chống doping; Kiểm tra doping; Quản lý kết quả; Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong phòng, chống doping. Công tác phòng, chống doping trong hoạt động thể thao được thực hiện theo quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới, các Bộ Tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Phòng, chống doping thế giới và quy định phòng, chống doping của Việt Nam.

Đây được xem là văn bản quan trọng liên quan về các vấn đề đối với doping trong hoạt động thể thao đối với cá nhân, tổ chức ở Việt Nam và cá nhân, tổ chức của Việt Nam hoạt động thể thao tại nước ngoài.

Thông tư áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thể thao tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia hoạt động thể thao tại nước ngoài.

Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt đã khẳng định, thể thao Việt Nam luôn nói không với doping và đây là điều luôn được kiểm tra kỹ lưỡng trong các đội tuyển thể thao quốc gia ở mọi cấp độ. Gần nhất, thể thao Việt Nam gặp sự cố đáng tiếc ở việc 5 VĐV điền kinh thi đấu tại SEA Games 31 trên sân nhà đã có mẫu thử cho kết quả dương tính. Cả 5 VĐV trên đã nhận án cấm thi đấu và các án cấm đã kết thúc từ ngày 18-11 năm nay. Tuy nhiên, trong thi đấu Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022, Ban tổ chức vẫn phát hiện các trường hợp dính doping trong môn thể hình và cử tạ sau đó đã nhận các quyết định kỷ luật. Hiện tại, Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam đang thường xuyên tổ chức các chương trình giáo dục ý thức và nhận biết, phòng chống doping trong các đội tuyển thể thao quốc gia. Đáng chú ý, cán bộ của Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam đã kết hợp với ban tổ chức các giải thể thao vô địch quốc gia ở năm 2023 để thực hiện các chương trình về phòng, chống doping và có thực hiện lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên đối với VĐV thi đấu.

Tại Thông tư này, Dự thảo quy định rõ thẩm quyền kiểm tra doping: “Tổ chức Phòng, chống doping quốc gia của Việt Nam có quyền kiểm tra doping theo Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và xử lý vi phạm luật phòng, chống doping đối với các vận động viên trong thẩm quyền. Cơ quan quản lý VĐV và ban tổ chức các giải thi đấu thể thao đề nghị Tổ chức Phòng, chống doping quốc gia kiểm tra doping VĐV trong trường hợp cần thiết theo Bộ luật Phòng, chống doping thế giới. Trong trường hợp các Liên đoàn thể thao quốc tế ủy quyền hoặc yêu cầu lấy mẫu kiểm tra doping, Tổ chức Phòng, chống doping quốc gia phối hợp với các Liên đoàn thể thao liên quan thực hiện yêu cầu theo quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và Tiêu chuẩn quốc tế về Kiểm tra và Điều tra...”.

Ở Thông tư, việc xử lý vi phạm với trường hợp dính doping cũng được nêu cụ thể. Thông tư quy định Cục TDTT có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL ban hành và ban hành theo thẩm quyền văn bản, chiến lược, chính sách, kế hoạch về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao; Chỉ đạo và tổ chức thực hiện văn bản, chiến lược, chính sách, kế hoạch về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao...

Việc lấy ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Thông tư Quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao thực hiện từ ngày 13-12-2023 tới hết ngày 13-2-2024.

Tin cùng chuyên mục