Còn 7 ngày nữa đến AFF Cup 2007

Bài 3: Indonesia - đối thủ khó chịu

Bài 3: Indonesia - đối thủ khó chịu

Tại bảng B, sự có mặt của Indonesia làm các đối thủ còn lại cảm thấy khó chịu. Vì một lý do đơn giản: Đây là đội bóng có lối chơi... khó chịu (?).

Cầu thủ Indonesia có trình độ kỹ thuật tốt, đá khéo nhưng lại thừa thể lực để chơi thứ bóng đá kiểu châu Âu. Sự hòa trộn giữa hai lối chơi như thế, nếu đạt đến mức cần thiết sẽ biến Indonesia thành một “ứng viên” sáng giá cho mọi giải đấu trong khu vực.

Bài 3: Indonesia - đối thủ khó chịu ảnh 1
Trận giao hữu Indonesia (trái) gặp Australia.

Tuy nhiên, hiện tại những khó khăn trong nội bộ nền bóng đá nước này, vấn đề tài chính, sự trục trặc giữa HLV trưởng với giới truyền thông và ban lãnh đạo Liên đoàn đã làm tiêu hao nhiều sức mạnh của đội tuyển Indonesia.

Sau khi về chót ở BV Cup tại Việt Nam, ông Peter Withe hứng chịu thêm sự chỉ trích nặng nề của báo chí khi tiếp tục bại trận tại Myanmar, trong giải Grand Royal Challenge Cup 2006. Mặc dù đưa ra đội hình U23, nhưng có rất nhiều tuyển thủ sẽ có mặt tại AFF Cup 2007.

Thua tuyển Myanmar 1-2, hòa U23 Myanmar 0-0 và hòa U23 Malaysia 1-1, U23 Indonesia xếp cuối giải đấu chỉ gồm 4 đội. Theo hợp đồng, ông Peter Withe quản lý cả hai đội tuyển và U23 Indonesia.

Đôi nét về Indonesia

- Là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, với 17.508 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có nhiều đảo không có người ở. Các đảo lớn gồm Java, Sumatra, Kalimantan (trên đó có 1.782 km đường biên giới với Malaysia), Celebes (820 km đường biên giới với Papua New Guinea).

- Diện tích: 1.919.440km2 (hạng 15 thế giới), trong đó đường bờ biển dài 54.716 km.

- Dân số (năm 2005): 241.973.879 người (hạng 4). Mật độ dân số: 126 người/km2 (hạng 61).

- Tổng thu nhập quốc dân: 827,4 tỷ USD/ năm (hạng 15).

- Thu nhập bình quân đầu người: 3.500 USD/ năm (hạng 109).

- Ngày độc lập: 17-8-1945 (từ Hà Lan), 27-12-1949 (được công nhận).

- Ngôn ngữ: tiếng Indonesia (Bahasa).

- Chính thể: Cộng hòa. Tổng thống: Susilo Bambang Yudhoyono.

Bóng đá tại Indonesia

Kỹ sư Soeratin Sosrosoegondo du học tại Đức đã mang về Indonesia môn bóng đá vào năm 1928. Tại Indonesia, ông làm việc cho một công ty của Hà Lan tại Yogyakarta và trở thành người Indonesia đầu tiên đưa ra ý tưởng thành lập Liên đoàn Bóng đá quốc gia, như một thứ “vũ khí” đặc biệt của thanh niên chống lại thực dân Hà Lan, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Năm 1938, với tên gọi kỳ lạ “Hà Lan Đông Ấn”, Indonesia là đội châu Á đầu tiên tham dự vòng chung kết World Cup 1938 ở Pháp, nhưng chỉ đấu 1 trận tại Reims, thua Hungary 0-6.

Ngoài việc dự vòng chung kết World Cup 1938, Indonesia cũng tham gia World Cup 1950, vượt qua Trung Quốc ở vòng loại, nhưng bỏ cuộc vì không muốn thi đấu với Israel ở vòng tiếp theo. Họ cũng bỏ cuộc ở World Cup 1958, vì tình hình chính trị trong nước. Từ năm 1974 đến nay, Indonesia tham dự đều đặn các kỳ World Cup, nhưng không qua được vòng loại.

Tại Asian Cup, Indonesia tham dự vòng loại từ năm 1968 đến 1992, nhưng đều không qua được vòng loại, lọt vào vòng chung kết, nhưng dừng bước ở vòng 1 từ Asian Cup 1996 đến 2004. Năm 2007, Indonesia lọt vào vòng chung kết nhờ là nước đồng chủ nhà.

Tại đấu trường SEA Games, Indonesia vô địch năm 1987 (sân nhà), 1991 (tại Singapore), hạng nhì 1979, 1997 (sân nhà), hạng ba 1977, 1981, 1989, 1999. Ở giải Tiger Cup trước đây, Indonesia hạng tư năm 1996 (thua Việt Nam), hạng ba 1998, hạng nhì 2000 và 2004.

Lực lượng

- Thủ môn: Syamsidar (PSM Makassar), Hendro Kartiko (Persija Jakarta), Jendri C. Pitoy (Persipura Jayapura).

- Hậu vệ: Firmansyah (Persikota), Hamka Hamzah (Persija Jakarta), Maman Abdurrahman (PSIS Semarang), Bayu Sutha (Persema Malang), Ricardo Salampessy, Mauly Lessy (Persipura Jayapura).

- Tiền vệ: Agus Indra Kurniawan, Ismed Sofyan, Ortizan Solossa (Persija Jakarta), Erol FX Iba, Firman Utina (Arema Malang), Ponaryo Astaman (Melaka Telekom), Syamsul Chaeruddin (PSM Makassar), Mahyadi Panggabean (PSMS Medan).

- Tiền đạo: Boaz Solossa (Persipura Jayapura), Saktiawan Sinaga (Arema Malang), Ilham Jayakesuma (Persita Tangerang), Zaenal Arif (Persija Jakarta), Ellie Aiboy, Bambang Pamungkas (Selangor FA).

Đối đầu trực tiếp (từ sau năm 1975)

- Vòng loại World Cup 1994: Việt Nam – Indonesia 1-0, Indonesia – Việt Nam 2-1.

- SEA Games: Indonesia – Việt Nam 1-0 (1991), Indonesia - Việt Nam 1-0 (1993), Việt Nam – Indonesia 1-0 (1995), Indonesia – Việt Nam 2-2 (1997), Việt Nam – Indonesia 1-0 (1999), Indonesia – Việt Nam 1-0 (2001), Việt Nam – Indonesia 1-0 (2003), Indonesia – Việt Nam 1-0 (2005).

- Tiger Cup: Việt Nam – Indonesia 1-1 (vòng loại), 3-2 (tranh hạng ba 1996), Việt Nam – Indonesia 2-3 (bán kết 2000), Indonesia – Việt Nam 2-2 (2002), Việt Nam – Indonesia 0-3 (2004).

- Dunhill Cup: Việt Nam – Indonesia 0-1 (1997).

- BV Cup 2006: Việt Nam – Indonesia 1-0.

Tổng cộng: Hai đội gặp nhau 17 trận, Việt Nam thắng 6 trận, hòa 3 trận, Indonesia thắng 8 trận.

Lợi thế mỗi đội trước trận đấu

- Việt Nam: Tâm lý tốt nhờ trận thắng gần nhất tại BV Cup 2006.

- Indonesia: Không e ngại bất cứ đối thủ nào, nhất là Việt Nam, đội có thắng có thua.

Át chủ bài

- Việt Nam: Lê Công Vinh.

- Indonesia: Boaz Solossa.

Dự đoán

- Indonesia thể lực dồi dào, lối chơi nhanh, chuyển từ phối hợp nhỏ sang chơi bóng rộng, theo phong cách châu Âu. Việt Nam mạnh ở các đường phối hợp nhỏ, mang tính đột biến cao và hàng công mạnh.

- Cả hai đều chơi trên sân trung lập, khả năng thắng của Việt Nam là 54%, hòa 25%, Indonesia thắng 21%. 

LINH GIAO
 

Thông tin liên quan

Bài 2: Singapore - đối thủ lớn

Bài 1: Khi nhà tài trợ rút lui 

Tin cùng chuyên mục