Thể thao Việt Nam nhắm top 3 SEA Games 32 và 5 HCV ASIAD 19

Thể thao Việt Nam đang khép lại năm 2022 và hướng tới năm 2023 với nhiều nhiệm vụ quan trọng và chuẩn bị nhiều kế hoạch.
Lãnh đạo ngành thể thao đã trao đổi về các kế hoạch, mục tiêu sắp tới. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG
Lãnh đạo ngành thể thao đã trao đổi về các kế hoạch, mục tiêu sắp tới. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG

Gặp mặt báo chí ở ngày 29-12 tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Đặng Hà Việt bày tỏ năm 2022 là một năm mà ngành nỗ lực để tổ chức trở lại các hoạt động thể thao sau thời gian bị gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19. Đáng kể, chúng ta đã tổ chức 2 kỳ thi đấu lớn là SEA Games 31 (cấp quốc tế khu vực Đông Nam Á) và Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 (cấp quốc gia toàn quốc).

“Ở năm 2023, thể thao Việt Nam còn nhiều thách thức tiếp theo. Với các giải đấu thành tích cao, chúng ta tập trung cho nhiều Đại hội thi đấu nhưng sẽ có 2 Đại hội quan trọng nhất là SEA Games 32 và ASIAD 19. Chúng tôi vẫn hướng tới mục tiêu nằm trong top 3 quốc gia dẫn đầu số HCV tại SEA Games 32 ở Campuchia và giành từ 3 tới 5 HCV tại ASIAD 19 ở Hàng Châu – Trung Quốc”, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT khẳng định.

Để làm được điều này, lãnh đạo ngành thể thao chia sẻ cần có sự chuẩn bị và đầu tư quan trọng đối với các kế hoạch, chiến lược mục tiêu. “Thể thao Việt Nam tiếp tục có những VĐV trọng điểm và họ được sự đầu tư tốt nhất cũng như có sự kiểm soát kỹ càng nhất về công tác doping. Chúng ta biết rằng, ở mỗi kỳ ASIAD gần đây, thể thao Việt Nam có thể giành được khoảng 20 HCB, 20 HCĐ trong các nội dung thi đấu nhưng để cụ thể hóa từ HCB và HCĐ vươn tới thành HCV là cả vấn đề. Chúng ta tập trung đầu tư cao, có trọng điểm và sẽ có mục tiêu cụ thể cho từng VĐV. Giành được kết quả HCV ASIAD luôn rất khó”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Trần Đức Phấn phân tích thêm.

Sau SEA Games 31, lãnh đạo ngành đã phân tích dù chúng ta có được 205 HCV nhưng để giành được từ 3 tới 5 HCV tại ASIAD ngay tiếp theo là không dễ dàng. Tại ASIAD 2018, chúng ta giành được HCV ở môn đua thuyền rowing, điền kinh, pencak silat. Sự chờ đợi của người hâm mộ với các tuyển thủ thể thao Việt Nam tại kỳ ASIAD 19-2022 vẫn là nhiều hơn.

“Nguồn lực về đầu tư vẫn là điều mà thể thao Việt Nam cần thiết. Số tiền ngân sách chi cho Tổng cục TDTT khoảng 800 tỉ đồng/năm và việc chi lớn nhất đều dành cho tập trung VĐV, dành cho chi trả tiền ăn, tiền công. Tiền đầu tư cho cơ sở vật chất không nhiều”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn chia sẻ.

Bản thân nhà quản lý nhìn nhận, ngành thể thao vẫn còn những cơ hội tìm kiếm thêm các nhân tài cho các đội tuyển thể thao và nếu tìm được thêm nhân tố con người tốt thì chắc chắn có sự đầu tư.

Từ ngày 1-1-2023 tới đây, nhiều đội tuyển thể thao quốc gia chính thức trở lại tập luyện với danh sách mới ở các điểm tập huấn thuộc Trung tâm HLTTQG Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Mục tiêu xuyên suốt vẫn là kết quả thi đấu thành tích cao giành các tấm HCV ở SEA Games 32 và ASIAD 19-2022.

Tin cùng chuyên mục