LTS: Thể thao Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại về thành tích. Nhiều đội tuyển điền kinh, bơi lội, bắn súng, cầu lông, bóng bàn, xe đạp, cử tạ, taekwondo, judo… thiếu hụt lực lượng do công tác tìm kiếm và phát triển vận động viên tài năng bấp bênh, chủ yếu vì nguồn lực tài chính dành cho các bộ môn giảm sâu so với trước. Tiến vào đấu trường Olympic là khát vọng của thể thao Việt Nam, nhưng cần một chiến lược thực sự bài bản và đầy đủ điều kiện.
Sự lạc hậu sẽ kéo chất lượng đi xuống
Năm 1980, đoàn thể thao Việt Nam đến Moscow dự kỳ Olympic đầu tiên với 30 vận động viên (VĐV) thi đấu chỉ 4 môn (điền kinh, bắn súng, bơi lội, vật). Tuyển thủ 26 tuổi Dương Đức Thủy, khi đó là kỷ lục gia của môn nhảy 3 bước, bị loại ngay từ vòng thi đấu đầu tiên. 43 năm sau, TS Dương Đức Thủy, nguyên Trưởng bộ môn Điền kinh của Tổng cục TDTT, thừa nhận sau thất bại của điền kinh tại Asiad 19: cứ nhìn cơ sở vật chất của chúng ta thì biết, sân tập điền kinh ở hầu hết các tỉnh thành lạc hậu chẳng khác gì 30-40 năm trước. Đường chạy chỉ có 5-6 làn, trong khi thế giới là 9-10 làn. Đội tuyển điền kinh thì không có một chuyên gia nước ngoài nào, đào tạo lạc hậu theo mô-tuýp của hàng chục năm trước.
Dù là môn thi từng dự Olympic lần đầu tiên của thể thao Việt Nam, nhưng điền kinh khó tiếp cận với đấu trường Olympic nhất, dù chúng ta đã có HCV châu Á hay Asiad. Ở đây có khía cạnh đáng quan tâm: tiềm năng của VĐV Việt Nam là rất lớn. Các chiến thắng ở nội dung điền kinh rất đặc biệt, đó là ý chí, là tinh thần, là khát vọng của một nền thể thao. Chiến thắng của điền kinh đem đến niềm hãnh diện đặc biệt cho thể thao Việt Nam vì nó là môn thể thao nữ hoàng mang trọn vẹn tinh thần Olympic. Thế nhưng, điền kinh là môn rất đặc biệt về khía cạnh đầu tư. Tố chất tốt của VĐV là một chuyện, nhưng để thay đổi vài phần trăm giây, vài xăngtimét có khi tính bằng thập niên hoặc thậm chí là chẳng bao giờ. Bởi đây là sự kết hợp của dinh dưỡng, điều kiện tập luyện và ứng dụng khoa học TDTT.
Để có một VĐV có khả năng tranh tài ở Olympic không chỉ dựa vào cơ sở vật chất, mà còn là cách thức và chất lượng huấn luyện chuyên môn. Đáng tiếc, đây lại là điều không có ở điền kinh Việt Nam. Chỉ tính riêng tại SEA Games, chúng ta phải mất hơn 30 năm từ chiếc HCV đầu tiên của Vũ Bích Hường cự ly 110m rào nữ mới vươn lên đứng đầu Đông Nam Á. Con đường đến với trình độ Olympic còn diệu vợi hơn. Thất bại tại Asiad 19 cũng đã được chỉ rõ: chúng ta đã tụt lại quá xa so với thế giới khi vẫn đang duy trì cách làm cũ, cơ sở vật chất càng không có gì mới.
Một câu chuyện khác: Năm 2012, khi đến London dự Olympic, đội tuyển Thể dục của Việt Nam mới biết thiết bị thi đấu tại sự kiện là phiên bản mới, không giống những gì chúng ta dùng tập luyện. VĐV Phạm Phước Hưng phải dùng phần lớn thời gian ngắn ngủi của mình tại London để làm quen với các thiết bị này, nên khi thi đấu, thành tích kém xa ở nhà.
Hay như câu chuyện của môn bắn súng, môn mà Việt Nam đã có chiếc HCV lịch sử của VĐV Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016, nhưng phải đến trước SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà, bắn súng Việt Nam mới có trường bắn mới được đầu tư hàng trăm tỷ đồng với hệ thống bắn bia điện tử, thay vì phải tập luyện với bia giấy và đạn “tưởng tượng” do thiếu thốn.
Những ví dụ nói trên cho thấy, thể thao Việt Nam có khả năng thành công ngay với các môn thể thao cơ bản của Olympic cũng như có mặt ở mọi đại hội thể thao khu vực và châu lục, vấn đề là điều kiện tập luyện của VĐV Việt Nam còn hạn chế, không chỉ thiếu mà còn kém về chất lượng. Trong hoàn cảnh như vậy, những gì mà các VĐV Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Xuân Vinh làm được ở Olympic đều phải xem là kỳ tích.
Không thể “chờ sung rụng”
Hơn 20 năm sau SEA Games 22 lần đầu được tổ chức trên sân nhà cùng với khoản đầu tư lớn, thể thao Việt Nam không có thêm bất kỳ cơ sở vật chất cấp quốc gia nào được xây mới ở đẳng cấp châu Á.
Cần phải phân biệt giữa việc “đủ điều kiện để tổ chức” các sự kiện thể thao châu Á, thế giới với khái niệm “đẳng cấp”. Để tổ chức một giải thế giới, chúng ta có thể dùng biện pháp tạm nhập - tái xuất các thiết bị thi đấu, nhưng thực tế, VĐV vẫn tập luyện trong điều kiện tối thiểu. Chẳng hạn Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đẳng cấp châu Á cách đây 20 năm, nhưng hiện tại chỉ thuộc diện “đạt tiêu chuẩn”.
Như sân vận động quốc gia Mỹ Đình, mỗi trận đấu của đội tuyển đều phải được tu sửa mặt cỏ, trong khi các phòng chức năng thì dùng tới đâu, sửa tới đó. Cung thể thao dưới nước nằm trong khu liên hợp thì ở SEA Games 32 vừa qua, ánh nắng rọi thẳng vào hồ bơi khi thi đấu ban ngày. Trong khi đó, tại giải vô địch điền kinh quốc gia 2023, vì giá thuê sân quá đắt, ban tổ chức phải chuyển sang thi đấu ở khu Miếu Môn do quân đội quản lý.
Với TPHCM, khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc được quy hoạch ở tầm châu Á nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy. Là trung tâm hàng đầu về điền kinh, cũng là nơi đang duy trì giải quốc tế duy nhất của bộ môn này, nhưng đường chạy ở sân vận động Thống Nhất được thiết kế cách đây hơn 40 năm, khu vực thi đấu nằm sát ngay khán đài - và đây lại là nơi duy nhất để VĐV điền kinh thành phố tập luyện, thi đấu.
Quá trình phát triển một VĐV từ chỗ triển vọng đến thi đấu Olympic thì 99% thời gian nằm ở quá trình tập luyện, dinh dưỡng, hồi phục. Thế nhưng, thể thao Việt Nam chứng kiến không ít VĐV gặp tai nạn do thiếu điều kiện chuyên biệt, như trường hợp bị xe máy tông ngoài đường, phải từ giã sự nghiệp của “nữ hoàng” Trương Thanh Hằng năm 2012. Thể thao Việt Nam hiện có đến 4 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, nhưng diện tích nhỏ do địa điểm nằm khá gần nội đô của Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Bài toán cơ sở vật chất rất khó giải, nhưng nó lại là tiền đề cho tham vọng tìm chỗ đứng trên đấu trường Olympic.
Giải pháp hiện tại của chúng ta vẫn là gửi VĐV đi tập huấn nước ngoài, nhưng với nguồn kinh phí hạn chế thì số lượng tài năng nằm trong kế hoạch này rất ít. Điều này cũng đồng nghĩa, các “măng non” của chúng ta sẽ phải phát triển bản thân ở các điều kiện của 30-40 năm về trước. Thể thao TPHCM từng có chương trình “Thế hệ vàng”, gửi một nhóm VĐV có tiềm năng ra nước ngoài tập huấn dài hạn, nhưng không thành công vì đặc thù của thể thao đỉnh cao là phải chọn lựa, thanh lọc liên tục qua hoạt động tập luyện và thi đấu.
Khoảnh khắc lịch sử muộn màng
Ngày 7-8-2016, tại trường bắn của Olympic 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã làm nên lịch sử khi chiến thắng ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam với 202,5 điểm. Lần đầu tiên Việt Nam có HCV ở một kỳ Thế vận hội. Năm đó, xạ thủ quân đội này đã 41 tuổi. Trong khi đó, những đối thủ của anh như đương kim vô địch thế giới người Brazil Almeida Wu chỉ mới 24 tuổi, hay Pang Wei (Trung Quốc) mới 29 tuổi nhưng đã đoạt HCV Olympic 2008.
Các nhà vô địch ở môn bắn súng thường rất trẻ, nằm ở độ tuổi 24-30, trường hợp của Hoàng Xuân Vinh tương đối đặc biệt khi anh rất giàu kinh nghiệm, đã chiến thắng ở SEA Games cũng như một số giải quốc tế, nhưng đến khi gần giã từ sự nghiệp mới bước lên đỉnh vinh quang.
Bắn súng vốn là môn thế mạnh của Việt Nam, xuất hiện ở thời điểm thể thao Việt Nam hòa nhập thế giới tại Olympic 1980, Asiad 1982 hay SEA Games 1989. Tuy nhiên, phải đến Olympic 2016 chúng ta mới có HCV và phải đến Asiad 2023 vừa qua mới có vinh quang lần đầu. Trước khi có trường bắn đạt chuẩn, các xạ thủ của chúng ta đều phải tập huấn dài hạn ở Hàn Quốc, một cường quốc bắn súng của thế giới.