Hàng năm, bên cạnh hệ thống thi đấu chính thức của điền kinh Việt Nam như giải vô địch quốc gia, giải việt dã và marathon quốc gia Báo Tiền Phong, giải điền kinh quốc tế TPHCM, hàng chục cuộc thi chạy bộ với đủ các cự ly, từ ngắn (5km, 10km) đến bán marathon 21km, marathon 42,195km, thậm chí là các sự kiện việt dã đường trường (trail 50km, 70km, 100km…) đã tạo nên sắc thái đa dạng trong cộng đồng người yêu thích môn chạy bộ.
Hơn thế, các giải chạy bộ đã góp phần cổ động nhân dân tích cực rèn luyện thân thể để học tập và lao động tốt, có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Những người yêu thể thao dần quen với những từ như pacer, runner, cùng theo là sự nở rộ những hội nhóm chạy với các mục đích ý nghĩa như: thiện nguyện, bảo vệ môi trường, gây quỹ cộng đồng… Sự tham gia của nhiều người nước ngoài đối với phong trào chạy bộ cũng là một điểm nhấn thú vị, thể hiện được yếu tố thân thiện, đáng sống của đất nước chúng ta.
Chạy bộ là một trong những môn thể thao được yêu thích khắp thế giới, được xem là phù hợp với tố chất cũng như thể trạng của người Việt; ở góc độ chuyên môn, sự phát triển mạnh mẽ của phong trào chạy bộ là sự gợi mở sáng giá cho các nhà quản lý. Các VĐV Việt Nam khó có thể vươn đến tầm châu Á, thế giới ở các nội dung chạy cự ly ngắn đòi hỏi sức mạnh cơ bắp, nhưng có những lợi thế nhất định ở những môn phối hợp, sức bền với các cự ly trung bình và dài, trong đó có marathon.
Trong bối cảnh thể thao Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, các bộ môn chủ lực như: điền kinh, thể dục dụng cụ, bơi lội, võ thuật… sa sút và gặp các vấn đề về việc thu hút nguồn lực xã hội, dẫn đến những đứt gãy trong hoạt động phát hiện và đào tạo, phải cắt giảm kinh phí cho các chuyến tập huấn, thi đấu quốc tế, thì các giải chạy diễn ra ở khắp các tỉnh thành trên cả nước tạo nên những sân chơi sôi nổi, giúp các VĐV thuộc đội tuyển quốc gia được thi đấu thường xuyên, duy trì khối lượng vận động để gia tăng thành tích chuyên môn, đủ sức tranh tài ở các giải quốc tế.
Bên cạnh đó, bầu không khí thể thao cùng những giá trị của các giải chạy tạo động lực để giải bài toán tài chính, kinh tế thể thao. Các giải chạy giúp các địa phương - nơi tổ chức quảng bá hiệu quả hình ảnh, thu hút khách du lịch, tăng cường giao lưu văn hóa.
Những doanh nghiệp, thương hiệu lớn nhìn thấy tiềm năng tiếp thị và bán hàng ở các sự kiện có thể tập trung hàng chục ngàn người. Cũng như với bóng đá trước đây, qua các giải chạy, nhiều doanh nghiệp “bén duyên” với thể thao và có thể đầu tư lâu dài, nhất là khi cộng đồng chạy bộ ngày một đông đảo, đa dạng tầng lớp xã hội.
Đây cũng là xu hướng kích cầu phát triển của nhiều tỉnh thành sau khi TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh thực hiện rất tốt mô hình kết hợp giữa thể thao và du lịch. Xu hướng này phổ biến trên thế giới, khi các đại đô thị, đặc biệt là những trung tâm kinh tế, du lịch thường gắn tên với các giải marathon với quy mô thế giới, hình thành hệ thống tour thi đấu thường niên; thậm chí, những giải chạy ở London, Boston, New York… còn mang tính chất biểu tượng.
Đó cũng là một trong những yếu tố mà các nhà hoạch định thể thao cần hướng đến, để chọn lọc và hình thành nên những giải chạy có các tiêu chí đặc thù vừa tạo nền tảng cho sự phát triển hệ thống vận động viên marathon chuyên nghiệp, vừa duy trì tính bền vững cũng như ý nghĩa cộng đồng của phong trào chạy bộ hiện nay.
Cho nên, chạy bộ dù chỉ được xem như một lát cắt trong bức tranh thể thao chung của Việt Nam, nhưng lại là điểm sáng đáng học tập.