Đã có ý kiến “xét lại” trong việc dùng bao nhiêu cầu thủ ngoại trên sân và đăng ký bao nhiêu cầu thủ ngoại là đủ, bởi nhìn trên bảng danh sách ghi bàn, người ta thấy tên cầu thủ nội ngày càng hiếm...
HƠN SỨC LÀ HƠN TẤT CẢ

Với trình độ tầm tầm của bóng đá xứ ta, dường như cứ hơn sức là hơn tất cả. Chính HLV Lê Thụy Hải đã phát biểu một câu được giới trong nghề hết sức tán đồng và đó cũng là phương châm để đội bóng của ông thành công: “Cứ chạy nhiều hơn đội bạn là ra vấn đề”. Và ở mùa bóng này, đến lượt Quân khu 4 lại áp dụng chiêu: “Lấy cần cù bù khả năng”, và họ đang thành công đó thôi!
Chính vì vậy, ưu tiên hàng đầu khi tuyển các cầu thủ ngoại ở các đội bóng phải là to, cao, khỏe. Thế nên, chớ ngạc nhiên khi thấy với cách tuyển quân này, đa phần các cầu thủ trụ lại được ở những đội bóng là các cầu thủ gốc Châu Phi.
Có thể họ không khéo léo, có thể họ chơi bóng với kỹ thuật chưa chắc gì hơn các cầu thủ xứ ta, nhưng chắc chắn họ chạy nhiều hơn, nhanh hơn, tì đè tốt hơn, bật cao hơn và sút mạnh hơn. Với từng ấy ưu điểm, đương nhiên, các ngoại binh biến thành nỗi ám ảnh của hàng phòng ngự vốn chẳng mấy cao, lại chẳng mấy khỏe của các đội bóng. Thậm chí, như ở CLB TPHCM hiện nay, các cầu thủ ngoại chơi chẳng hay ho gì, nhưng HLV Lư Đình Tuấn vẫn cứ “cương quyết” tung ra sân, bởi nói gì thì nói “họ chạy nhiều, cầu thủ đối phương thế nào cũng… mệt”.
Cứ nhìn cái cách Almeida trở thành Vua phá lưới ở V-League mùa trước là rõ nhất. Bị HLV Lê Thụy Hải chê vì quá “củi”, nhưng cuối cùng, Almeida được đội SHB Đà Nẵng giữ lại vì không kịp tìm ngoại binh. Ấy vậy mà với chiều cao của mình, cùng lối chơi được đồng đội miệt mài rót bóng bổng, Almeida liên tục ghi bàn vì chẳng ai chơi “không chiến” nổi với anh. Mới đây, Timothy của CS Đồng Tháp lại nổi lên như một “hiện tượng”, nhờ lối chơi càn lướt và sức khoẻ “thần sầu” của anh. Rất hiếm cầu thủ ngoại nổi tiếng nhờ lối chơi khéo léo đến độ đáng khâm phục như Kessley bây giờ, hay Kiatisak trước đây.
Tất nhiên, những yếu tố về sức khỏe, thể hình của các cầu thủ ngoại chỉ có thể phát huy được khi họ được cả một tập thể hỗ trợ. Rất may cho các cầu thủ ngoại, các cầu thủ nội chưa bao giờ coi họ như đối tượng để tranh chấp quyền lợi cũng như danh tiếng!
TRÁCH KỶ RỒI HÃY TRÁCH NHÂN
Thật ra, V-League cũng như hạng Nhất không thiếu những cầu thủ Việt Nam có tên tuổi, có tố chất. Thế nhưng ngặt nỗi, khi các cầu thủ ngoại chăm chăm qua Việt Nam “cày” để kiếm tiền và họ biết dừng đúng lúc trong các cuộc chơi thì các cầu thủ ở ta lại thích làm “sao” trên tất cả mọi phương diện, kể cả chuyện ăn chơi.
Có lẽ vì vậy mà số cầu thủ trụ lại được trên sân và chơi đầy sung mãn trong 90 phút thi đấu cứ rơi rụng dần, phong độ các cầu thủ cứ thế sa sút, và người ta thấy chẳng tiền đạo nào của Việt Nam trong thời gian gần đây trụ được hai mùa bóng với danh hiệu Vua phá lưới nội. Tất nhiên, ngoài yếu tố chủ quan do việc xuống sức quá nhanh, mất phong độ vì có quá nhiều chuyện ngoài chuyên môn, các chân sút nội còn nhiều lý do khách quan khác khiến họ có cố cũng khó mà ghi được nhiều bàn thắng.
Ngoài việc các hậu vệ Việt Nam đang dần quen với cách chơi sức mạnh, điều mà họ phải đối đầu ngày càng nhiều hơn từ ngày có cầu thủ ngoại khiến cho việc kèm các cầu thủ Việt Nam trở nên chẳng còn quá khó. Cứ nhìn cái cách mà Công Vinh đang phải chịu bây giờ thì thấy, các cầu thủ nội không xem các cầu thủ ngoại là đối tượng cạnh tranh, nhưng đối với họ, chuyện kém miếng với các “đồng môn” nội địa là điều rất khó chịu.
Chuyện hết lòng phục vụ dù là theo ý đồ chiến thuật cũng là điều ít nằm trong bộ nhớ của các cầu thủ chúng ta, nhất là khi những cái tên được đề ra lại là cầu thủ nội. Chẳng ai muốn làm “nền” cho cầu thủ khác được đưa lên tầm cao hơn cả, bởi đó còn là sự cạnh tranh về danh tiếng trong chuyện chuyển nhượng, trong chuyện có được một suất lên tuyển, hay đơn giản hơn là có được một vị trí chủ chốt trong bàn tiệc.
Khi sức không bằng, lại không có được sự toàn tâm toàn ý từ một tập thể vốn là “người mình” thì chớ có trách vì sao cầu thủ ngoại ngày càng chiếm được sự ưu ái của HLV, lẫn chiếm luôn vị trí đầu ở danh sách ghi bàn.
Thế nên, trước khi bàn chuyện làm thế nào để hạn chế sức ép từ các cầu thủ ngoại để “giành lại” chỗ đứng cho các cầu thủ nội, hãy thẳng thắn nhìn nhận những điểm tốt mà họ mang lại và sự thật về việc vì sao chúng ta mãi chẳng có cầu thủ lớn, chân sút vàng.
PHẠM HOÀNG
(SGGP thể thao)