1. Một thành viên Ban tổ chức Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam từng chia sẻ, thời khắc hồi hộp nhất không phải là lúc kiểm phiếu hay lễ công bố danh vị, mà chính là lúc phát phiếu bầu. Đơn giản vì đó là thời điểm chính thức bắt đầu một mùa bầu chọn, có nghĩa là “đầu đã xuôi”. Phiếu bầu phát ra thì sẽ được thu về và chắc chắn bóng đá Việt Nam sẽ có tên những người xứng đáng nhất của một năm bóng đá.
Nhận xét này đặt vào vị trí của nhà tổ chức thật đúng vô cùng. Còn nhớ, vào năm 2013, sau khi tham khảo ý kiến của giới chuyên môn và căn cứ vào tình hình bóng đá Việt Nam, giải thưởng đã không được tổ chức, nghĩa là không có lá phiếu nào được gửi đi…
Nhà báo lão thành Hồ Nguyễn, một trong những người đặt nền móng cho giải thưởng hồi năm 1995, kể lại rằng: “Chuẩn bị giải thưởng cũng hơn 3 tháng. Khi đó, chúng tôi không quá lo lắng về tài chính để tổ chức như bây giờ, mọi người trong giới bóng đá đều ủng hộ nên không lo về chất lượng của các lá phiếu bầu, nên hồi hộp nhất là lúc gửi phiếu đi.
Anh em trong Ban tổ chức của Báo SGGP lúc đó cứ mân mê từng lá phiếu hồi lâu mới bỏ vào phong bì rồi nắn nót ghi tên người nhận. Phải đến lúc nhân viên bưu điện đến tòa soạn lấy phiếu đem đi, mọi người mới tin rằng Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam chính thức được sinh ra". Kể từ đó, không có lần gửi phiếu nào giống nhau cả.
Giải thưởng Quả bóng vàng được ví như chiếc hàn thử biểu của nền bóng đá: có lúc nóng cực độ, lúc lại đầy buồn lo. Tâm trạng của nhà tổ chức khi gửi phiếu đi cũng hồi hộp cho đoạn kết của mùa trao giải. Phiếu gửi đi rồi thì phải tổ chức cho trọn vẹn. Năm bóng đá thành công thì mọi thứ nhẹ nhàng, năm “mất mùa” thì chỉ mong người bầu chọn có lựa chọn chính xác.
Trong lịch sử Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam, ngoài năm 2013, cũng đã có ít nhất 2 kỳ trao giải khác ban tổ chức phải đắn đo trước khi quyết định gửi phiếu. Một lần đến từ scandal tiêu cực tại SEA Games 2005 và lần thứ hai đến từ hoàn cảnh khách quan khi mà đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa giải 2021. Ở 2 lần đó, những người được gửi phiếu bầu đã gọi điện động viên và đánh giá những nhà tổ chức đã “dũng cảm” để duy trì “nhịp sống” của nền bóng đá trong những thời khắc khó khăn.
2. Lần gửi phiếu của năm 2024 chắc hẳn cũng không giống như trước. Bóng đá Việt Nam đang ở ngưỡng cửa của một cuộc chuyển giao quan trọng, nhất là sau khi Chiến lược phát triển Thể dục Thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Chính phủ phê duyệt, trong đó bóng đá được giao những nhiệm vụ vô cùng nặng nề.
6 năm sau kỳ tích U23 châu Á 2018, nơi khởi đầu của một thế hệ vàng cực kỳ tài năng của bóng đá nam; 8 năm sau màn xuất hiện đầu tiên của futsal Việt Nam ở World Cup cùng tấm vé dự U20 World Cup trẻ của đội tuyển U19 và cũng gần 3 năm kể từ ngày đội tuyển nữ giành vé đến World Cup 2023, bóng đá Việt Nam vừa trải qua một năm 2024 không có những thành tích nổi bật.
Trong khi nền bóng đá phải đối diện với sự đổi thay thế hệ không thể tránh khỏi ở các đội bóng đã từng tạo ra một cơn sốt bóng đá chưa từng có. Đã có những thất bại, sự sa sút, những chuyển biến bắt buộc về con người lẫn chất lượng thi đấu. Điều đó đặt ra nhiều thách thức trong việc chọn lựa các cái tên xứng đáng nhất để ghi vào lá phiếu bầu chọn Quả bóng vàng Việt Nam.
Nhưng bóng đá là dòng chảy của thời gian, mang nhịp điệu của sự thăng trầm và sự ghi nhận nỗ lực cống hiến của các cầu thủ, cũng là thời khắc để làng cầu Việt Nam nhìn lại rồi chuẩn bị cho hành trình kế tiếp. Sự thành công của V-League là một ví dụ cho sức sống của làng cầu nội địa khi giới thiệu một nhà vô địch mới cùng sự cạnh tranh hấp dẫn ở mùa bóng 2024-2025. Chiến thắng của các cô gái futsal ở giải vô địch Đông Nam Á vừa kết thúc là một ví dụ khác để chúng ta tin tưởng vào tiềm năng của con người trong bóng đá Việt Nam.
Thế nên, một chút lắng đọng, suy tư khi các lá phiếu của giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam 2024 được gửi đi cũng đi kèm với hy vọng về sự đổi thay mạnh mẽ hơn của bóng đá Việt, vì điều quan trọng là chúng ta sẽ luôn có những cầu thủ xứng đáng để được tôn vinh. Từ kỳ trao giải đầu tiên đến bây giờ, lúc nào cũng thế.