Holcim bàn giao dự án Thùng rác sinh học tại Bình Thuận

Dự án Thùng rác sinh học của nhóm sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TPHCM đã đoạt giải Ứng dụng - giải thưởng cao nhất của cuộc thi Holcim Prize 2013, vừa được bàn giao người dân tại xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận với kinh phí hỗ trợ gần 200 triệu đồng từ Holcim Việt Nam.

Nhiều năm qua, thanh long là cây trồng giúp hàng chục ngàn hộ nông dân ở Bình Thuận tăng thêm thu nhập và góp phần làm khởi sắc nhiều vùng nông thôn trong tỉnh. Tuy nhiên, cùng sự phát triển này, vấn đề xử lý xác cây thanh long sau thu hoạch trở thành một trong những mối quan tâm lớn của chính quyền và người dân địa phương, vì nếu để xác cây tự phân hủy sẽ mất thời gian khá lâu và gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, dự án Thùng rác sinh học được ứng dụng tại địa phương được xem là một giải pháp bền vững cho nông dân tại đây.

Dự án là sự ứng dụng thành công mô hình “giun quế xử lý rác thải hữu cơ” cho thân cây thanh long để giảm thiểu ô nhiễm từ xác cây thanh long sau vụ thu hoạch. Dự án còn giúp giảm chi phí nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân với việc phân giun được dùng bón cây và xác giun sau khi hết vụ sẽ được cân ký bán làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Nói về dự án, ông Phan Tấn Trinh, Trưởng phòng Khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Qua thời gian ứng dụng thử, chúng tôi rất bất ngờ với kết quả đem lại. Chi phí đầu tư ban đầu hợp lý và cách vận hành đơn giản giúp bà con nông dân dễ dàng triển khai tại vườn nhà mình. Lãnh đạo địa phương đã cử kỹ thuật viên hỗ trợ bà con khi triển khai dự án. Hy vọng, khi đi vào triển khai thực tế trên diện rộng, kết quả sẽ thành công, đem lại nhiều lợi ích kinh tế và môi trường cho địa phương”.

Là nhà đầu tư lâu dài tại Việt Nam, Holcim luôn lấy mục tiêu phát triển bền vững làm cốt lõi trong chiến lược kinh doanh. Thúc đẩy giáo dục cũng là một nền tảng của phát triển bền vững, vì vậy, hỗ trợ và xây dựng một môi trường tốt cho sinh viên học hành và phát triển tài năng chính là một trong những cam kết trách nhiệm xã hội của Holcim.

Holcim Prize thể hiện sự đóng góp của công ty vào việc phát triển tài năng cho thế hệ tiếp theo của Việt Nam khi tạo ra sân chơi cho sinh viên nghiên cứu ứng dụng các ý tưởng phục vụ phát triển bền vững trong 3 lĩnh vực: Phát triển cộng đồng, Bảo vệ môi trường và Xây dựng bền vững với tổng trị giá giải thưởng 600 triệu đồng. Qua đó, Holcim mong muốn sinh viên trở thành những đại sứ nhân rộng ý thức phát triển bền vững trong cộng đồng, nhất là trong thế hệ trẻ.

Cuộc thi Holcim Prize được khởi động vào năm 2009 chỉ với 2 trường đại học - hiện đã được mở rộng ra 7 trường đại học trên toàn quốc. Đây cũng là một trong những hoạt động trách nhiệm xã hội của Holcim Việt Nam. Mỗi năm, Holcim Prize nhận được hàng trăm đề tài tham dự với nhiều lĩnh vực khác nhau. Những đề tài này đều có điểm chung là hướng đến các vùng nông thôn xa xôi, giải quyết nhu cầu cấp bách của người dân địa phương và được đón nhận bởi chính quyền địa phương và người dân.

Holcim Prize không chỉ khích lệ ý tưởng sáng tạo của sinh viên mà còn tạo cơ hội để biến những ý tưởng đó thành hiện thực thông qua một phần hỗ trợ triển khai ứng dụng cho đề tài khả thi nhất. Đây là cũng là cơ hội tốt cho các bạn sinh viên ứng dụng những lý thuyết học được trong nhà trường vào thực tế.

Các đề tài đoạt giải đặc biệt của Holcim Prize những năm trước đều đã và đang được triển khai thực tế, như “Thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật” (năm 2009), “Nhà vệ sinh nổi” (năm 2010), “Thiết bị chưng cất nước ngọt quy mô gia đình cho người dân miền biển” (năm 2011), “Mô hình tưới phun sử dụng năng lượng mặt trời tại Ninh Thuận” (2012).

Holcim bàn giao dự án Thùng rác sinh học tại Bình Thuận ảnh 1

Mô hình “giun quế xử lý rác thải hữu cơ” cho thân cây thanh long để giảm thiểu ô nhiễm.

Holcim bàn giao dự án Thùng rác sinh học tại Bình Thuận ảnh 2

Nhóm sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TPHCM ngày đoạt giải.

Holcim bàn giao dự án Thùng rác sinh học tại Bình Thuận ảnh 3

BGK nghiệm thu kết quả dự án.

Holcim bàn giao dự án Thùng rác sinh học tại Bình Thuận ảnh 4

Mô hình xử lý thân cây thanh long.

Holcim bàn giao dự án Thùng rác sinh học tại Bình Thuận ảnh 5

Gia đình ông Bình cùng với nhóm thực hiện dự án.

Holcim bàn giao dự án Thùng rác sinh học tại Bình Thuận ảnh 6

Dễ dàng đổ phân giun quế ra ngoài.

Long Thượng

Tin cùng chuyên mục