Bóng đá Việt Nam:

Chuyện nói cho vui?

Chuyện nói cho vui?

1. Chắc chắn, bóng đá thoạt đầu được khai sinh như một trò chơi. Nhưng dần dần sức hút, độ lan tỏa và sự tác động đến đám đông của môn chơi này trở nên mạnh mẽ và sâu rộng đến mức tới một lúc nó đã vượt lên khỏi “thành phần xuất thân” lẫn ý đồ ban đầu để biến thành một loại hình văn hóa xã hội mà không một môn thể thao nào bì được và nếu sống dậy, người sáng tạo ra môn chơi này chắc chắn không thể tin được con mắt nào trong hai con mắt của mình.

Chuyện nói cho vui? ảnh 1
Dù cổ động viên Việt Nam rất cuồng nhiệt, nhưng bóng đá Việt Nam vẫn ì ạch. Vì sao?!

Có lẽ so với các môn thể thao khác, bóng đá là môn chơi giàu kịch tính nhất, vì thế gần với cuộc đời nhất. Ở bóng đá, người ta có thể tìm thấy niềm vui và nỗi buồn, những tiểu xảo đê hèn và tính cao thượng, vinh quang và bất hạnh, nhiều khi nước mắt và thậm chí đôi khi máu.

Và cũng như cuộc đời, trong bóng đá kẻ mạnh không phải bao giờ cũng thắng, và đội chơi trung thực không bao phải bao giờ cũng xếp trên đội chơi thủ đoạn, điêu ngoa.

Khán giả đến với bóng đá là để tìm cảm giác mạnh. Chả thế mà nhiều trận đấu được mệnh danh là “không dành cho người yếu tim”! Và đến với những trận cầu quốc tế - có đội nhà tham gia, là để cảm thấy lòng tự hào dân tộc sục sôi một cách hồn nhiên nhất và cuồng nhiệt nhất, mặc dù ý định ban đầu khi đặt chân tới sân vận động không hẳn xuất phát từ lòng ái quốc. Nhưng một cách tự nhiên, bóng đá là hoàn cảnh mà lòng yêu nước bộc lộ một cách không kềm chế được.

Người hâm mộ phất cờ tổ quốc trên tay, quấn cờ ngang đầu chưa đã, còn vẽ cả lên mặt mới gọi là thỏa mãn, trong khi cũng người hâm mộ đó trong những ngày lễ lạc đã chểnh mảng việc treo cờ đến nỗi ông tổ trưởng dân phố phải nhắc nhở chằm chặp. Nhìn một rừng cờ đỏ sao vàng phủ rợp khán đài sân Mỹ Đình, bất cứ người dân Việt nào cũng cảm thấy xao xuyến, máu chảy rần rật như thể đang lận trong người một cái ống bơm. Trong lịch sử ngoại giao thế giới, có những cuộc chiến tranh nổ ra vì bóng đá, và cũng có những trường hợp bóng đá đóng vai trò một chất keo hàn gắn những rạn nứt giữa hai quốc gia.

Trộm nghĩ, bây giờ Việt Nam có một nhà văn đoạt giải Nobel chưa chắc đã làm người dân sung sướng bằng đội tuyển bóng đá quốc gia đoạt chức vô địch SEA Games hay đoạt cái cúp Tiger Cup bé xíu. Bóng đá là môn thể thao đại chúng, cảm hứng vinh quang mà nó đem lại có sức lan truyền gấp một triệu lần một giải thưởng văn học, dẫu đó là giải văn học danh giá nhất thế giới. Vì lẽ đó mà ở các giải thể thao từ SEA Games đến Asian Games hay Olympic Games, đối với nhiều quốc gia, để vuột chức vô địch bóng đá coi như chỉ thắng lợi 50% dù cuối cùng có đứng đầu bảng tổng sắp huy chương đi chăng nữa.

2
. Phải thấy như vậy để hiểu được rằng các nhà lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tha thiết với chức vô địch SEA Games hay Tiger Cup như thế nào. Thất bại của đội tuyển quốc gia tại Tiger Cup vừa rồi làm người hâm mộ đau một thì khiến họ đau mười. Vì nếu vô địch cái cúp Tiger vừa rồi, sự mê hoặc của chiến thắng sẽ dễ khiến người hâm mộ thể tất cho VFF nhiều yếu kém, kể cả chuyện tày trời như vụ Letard.

Với VFF, chức vô địch Tiger Cup hay SEA Games có giá trị ngang một chiếc đũa thần. Với nó, họ sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề, bịt được rất nhiều lỗ rò, trám được rất nhiều chiếc loa, và tất nhiên che được rất nhiều nhược điểm. Trong trường hợp này, chiến thắng trong bóng đá không chỉ bó hẹp trong khía cạnh thể thao mà trở thành một thắng lợi về mặt chính trị đối với các nhà lãnh đạo VFF.

Điều này cắt nghĩa tại sao năm nào VFF cũng mơ tưởng đến các huy chương SEA Games hay Tiger Cup mà không dám “buông lỏng” một vài năm để tập trung cho mục tiêu xa hơn. Chẳng qua đó là những thứ thuốc an thần có giá trị tức thời.

Điều này cũng cắt nghĩa tại sao VFF chưa bao giờ dám làm sáng tỏ hàng loạt những nghi án tiêu cực trong đội tuyển quốc gia từ trước đến nay. Cả nước đều biết chuyện HLV Weigang đòi đuổi một số tuyển thủ quốc gia về nước sau trận thua Lào ở Tiger Cup 1996. Cũng như chuyện HLV Rield suýt chút nữa lên máy bay về nước trước lối đá không giống ai của tuyển Olympic Việt Nam ở LG Cup 2003 và sau đó, trung vệ Vũ Như Thành bị treo giò như một hình thức xoa dịu dư luận.

Chắc chắn trong nghi án này, không chỉ có một Như Thành. Không một cầu thủ nào đủ gan và đủ sức lũng đoạn đội tuyển quốc gia nếu chỉ có một mình. VFF lý giải vì SEA Games 22 đã gần kề, bất cứ giá nào cũng không thể làm suy yếu đội tuyển. Lý do này thực ra không có vẻ gì là chính đáng, nhưng nếu tạm chấp nhận như thế thì tại sao khi SEA Games 22 kết thúc, VFF lại một lần nữa làm ngơ, coi như chưa hề có gì xảy ra trong cái giải LG Cup nhục nhã đó.

Và éo le thay, dư luận gần như cũng nín thinh trước sự “đãng trí” đó của VFF. Vì sao? Vì chính hào quang của cái huy chương đồng Tiger Cup 96 và huy chương bạc SEA Games 22 đã làm lu mờ tất cả - cả trí nhớ lẫn nỗi đau của người hâm mộ. Thì ra, đoạt huy chương chưa chắc đã là điều hay, đặc biệt trong bối cảnh tranh tối tranh sáng của bóng đá Việt Nam.

Tôi tin chắc, nếu tuyển Việt Nam đoạt huy chương vàng Tiger Cup 2004, khoản tiền 200.300 USD bồi thường cho ông Letard vừa rồi không đủ sức nặng để đẩy ông Phạm Ngọc Viễn ra khỏi chiếc ghế Tổng thư ký VFF, cũng như khó mà buộc VFF phải cải tổ mạnh mẽ.

Nhắc lại những chuyện đó để thấy rằng hoàn toàn có thể tin đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Letard và HLV Tavares không hẳn là không có vấn đề. Và việc ông Tavares không đưa cầu thủ này cầu thủ nọ ra sân ở giải Tiger Cup vừa rồi không phải hoàn toàn là chuyện ngẫu hứng. Nhưng thái độ của VFF trước những nghi vấn loại này bao giờ cũng là thái độ của loài đà điểu rúc đầu vào cát.

Làm đến nơi thì lấy ai mà đá. Không ai đá thì làm sao có huy chương. Không có huy chương lấy đâu ra lá bùa để che lấp bao nhiêu khiếm khuyết, lấy đâu ra thuốc an thần để xoa dịu sự bất bình của công luận. Một quy trình rất lòng vòng. Và cái đích đến của nó không bao giờ là sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam.

Một cơ thể đầy rẫy virus thì làm người khỏe mạnh cũng đã khó, huống gì làm một vận động viên, lại là vận động viên... tầm châu lục. Thành ra, đến ngày nào cái môi trường đục ngầu của bóng đá Việt Nam từ đội tuyển quốc gia đến các câu lạc bộ vẫn chưa được trong sạch hóa đến nơi đến chốn thì chuyện bàn cách để đưa bóng đá Việt Nam tiến lên cũng chỉ là chuyện nói cho vui. 

CHU ĐÌNH NGẠN

 

Tin cùng chuyên mục