Chương trình hành động của Bộ VH-TT-DL để thực hiện Kết luận số 70-KL/TW được nhấn mạnh với 9 trọng tâm cụ thể gồm:
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác quản lý nhà nước về TDTT. Tập trung rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật TDTT, trên cơ sở đó sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật TDTT; hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật trong lĩnh vực TDTT; rà soát, kiến nghị sửa đổi các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực TDTT; sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về tiền lương, thưởng, bảo hiểm, chế độ ưu đãi về học tập, việc làm, chữa trị chấn thương và các chế độ, chính sách khuyến khích, đãi ngộ và thu hút nhân tài trong hoạt động thể thao thành tích cao. Hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển sự nghiệp TDTT tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược.
-Tăng cường phân cấp quản lý TDTT cho các địa phương, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp về TDTT. Đẩy mạnh sắp xếp, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập TDTT theo hướng tự chủ, phát huy hiệu quả sử dụng, khai thác các thiết chế, công trình thể thao. Chú trọng triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, bạo lực, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực TDTT. Đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn về TDTT.
-Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào TDTT quần chúng, tạo cơ hội cho mọi người tham gia tập luyện, biểu diễn, thi đấu TDTT để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, vui chơi, giải trí. Xây dựng hệ thống chỉ số rèn luyện, đánh giá thể lực con người Việt Nam. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát triển giáo dục thể chất, thể thao trường học và lựa chọn nhân tài thể thao trong học sinh, sinh viên. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao trong lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, nông dân, phụ nữ, thanh niên, thiếu niên, người cao tuổi, người lao động trong các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, miền núi, hải đảo.
-Tập trung phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao. Nâng cao hiệu quả công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV; đổi mới hệ thống thi đấu thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp. Ưu tiên nguồn lực, có cơ chế chính sách phù hợp để phát triển các môn thể thao trọng điểm, hướng tới mục tiêu cải thiện thành tích của thể thao Việt Nam tại các Đại hội thể thao châu Á, Đại hội thể thao thế giới. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng VĐV, HLV, cán bộ thể dục, thể thao đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Chú trọng việc học tập văn hóa, chính trị, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức, ý chí, lòng tự hào dân tộc cho VĐV. Khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, đào tạo VĐV, HLV, tổ chức thi đấu, chuyển nhượng VĐV hợp pháp.
-Tăng cường hợp tác về TDTT với các đối tác chiến lược, chiến lược toàn diện, các nước bạn truyền thống, hướng đến hợp tác thực chất và hiệu quả trong công tác huấn luyện, đào tạo, nghiên cứu khoa học, y học thể thao, trao đổi chuyên gia, hợp tác đào tạo cán bộ, VĐV, nghiên cứu khoa học công nghệ, y học thể thao. Tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác giữa các liên đoàn thể thao quốc gia với liên đoàn thể thao quốc tế tương ứng.
-Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về tác dụng của hoạt TDTT; truyền thông về giáo dục thể chất và thể thao trường học, coi giáo dục thể chất là biện pháp giáo dục quan trọng nhằm phát triển thể lực, tầm vóc, rèn luyện kỷ luật và ý chí, bản lĩnh vượt khó đối với thế hệ trẻ, nguồn nhân lực tương lai của đất nước.
-Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ, y học trong lĩnh vực TDTT. Ưu tiên bố trí nguồn lực ngân sách kết hợp với các biện pháp xã hội hóa để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao trong công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện VĐV thành tích cao; phòng, chống sử dụng doping trong hoạt động thể thao; chữa trị, phòng ngừa chấn thương, phục hồi chức năng; kiểm tra, đánh giá thể chất và hướng dẫn phương pháp tập luyện, dinh dưỡng đúng cách cho người tập luyện thể thao.
-Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển sự nghiệp TDTT. Rà soát, hoàn thiện quy hoạch, phát triển mạng lưới thiết chế, cơ sở thể thao đồng bộ, từng bước hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ưu tiên đầu tư một số cơ sở trọng điểm về đào tạo, huấn luyện chất lượng cao; hiện đại hóa các trung tâm huấn luyện, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, cơ sở nghiên cứu khoa học và y học thể thao. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thể thao, tham gia tổ chức thi đấu, đào tạo VĐV, HLV, trọng tài và cung cấp các dịch vụ TDTT.
-Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực TDTT. Xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động quản lý trong lĩnh vực thể dục, thể thao. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm điều hành, phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng phục vụ công tác quản lý và hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực TDTT.
Tới đây, Cục TDTT sẽ thực hiện nhiều hoạt động đối với các nội dung của Chương trình hành động trên nhằm đạt kết quả tốt nhất.