TDDC Việt Nam làm gì để trở lại với đấu trường Olympic?

Chúng ta nỗ lực tìm kiếm suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024 nhưng không thành công nên nhà quản lý sẽ phải xây dựng các chương trình phù hợp nhất chuẩn bị cho tương lai.

TDDC Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư để tìm cơ hội trở lại với Olympic. Ảnh: TDVN
TDDC Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư để tìm cơ hội trở lại với Olympic. Ảnh: TDVN

Đội thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam chính thức khép lại giải vô địch châu Á 2024 trong ngày 19-5 ở Uzbekistan. Lần thi đấu này, TDDC Việt Nam giành được kết quả tốt nhất là HCB đơn môn vòng treo nam của tuyển thủ Nguyễn Văn Khánh Phong. Dẫu vậy, điều chúng ta chờ đợi nhất là tranh được 1 suất dự Olympic Paris (Pháp) 2024 đã không thành công. Hiện tại, TDDC Việt Nam không có suất chính thức tới Paris (Pháp) thi đấu.

Có nhiều nguyên do để lý giải vì sao TDDC Việt Nam lỡ hẹn với Olympic lần này. Nhìn vào thực tế, với lực lượng con người hiện tại và nguồn lực được đầu tư trong chừng mực, TDDC Việt Nam nỗ lực chuẩn bị chuyên môn ngay từ năm 2022 với mục tiêu rõ rệt là nỗ lực giành suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Đội tuyển TDDC Việt Nam có đăng ký chỉ tiêu giành suất Olympic Paris (Pháp) 2024 với lãnh đạo Cục TDTT. Nhìn vào chương trình tập luyện, thi đấu của tuyển thủ (không nghỉ Tết) đủ thấy, từng người như Văn Vĩ Lương, Nguyễn Văn Khánh Phong, Trịnh Hải Khang, Đặng Ngọc Xuân Thiện... rất cố gắng để chuyên môn tốt nhất. Sau SEA Games 32 và ASIAD 19, tuyển thủ Nguyễn Văn Khánh Phong từng bày tỏ “tôi có mục tiêu rất quan trọng là nỗ lực thi đấu các giải quốc tế để tìm cơ hội tranh tấm vé Olympic Paris (Pháp) 2024 cho TDDC Việt Nam. Việc giành được vé này không dễ dàng bởi các chương trình thi đấu đều có sự cạnh tranh quyết liệt”.

Bốn năm trước, TDDC Việt Nam có 2 suất chính thức dự Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020 là tuyển thủ Đinh Phương Thành và Lê Thanh Tùng. Bây giờ, điều khó hơn cho các tuyển thủ TDDC Việt Nam nói riêng và VĐV TDDC trên thế giới nói chung là Liên đoàn thể dục thế giới thay đổi cách thức trao suất Olympic. Theo bộ môn thể dục (Cục TDTT), Liên đoàn thể dục thế giới yêu cầu các VĐV thi đấu nhiều giải quốc tế để tích điểm, qua đó xếp thứ hạng và trao suất chính thức dự Olympic. Môn thể dục không có giải vòng loại Olympic cụ thể. Các giải vô địch châu lục và vô địch thế giới cùng vị trí xếp hạng trên bảng xếp hạng thế giới là những điều kiện cần và đủ để VĐV có thể chạm tay vào suất chính thức dự Olympic.

Hiểu một cách nôm na, VĐV cần dự giải quốc tế nhiều hơn thay vì chỉ góp mặt số ít giải để tranh tấm vé đi Olympic như giai đoạn trước. Từ đầu năm 2024, chúng ta đã cử tuyển thủ trọng điểm dự lượt giải World Cup của thế giới để tích điểm ở Ai Cập, Đức, Azerbaijan, Qatar. Đáng tiếc, không ai trong số đó đạt được kết quả tốt nhất. “Chúng ta đã có cơ hội để cải thiện vị trí nhưng kết quả thực tế lại chưa đạt được như kỳ vọng”, ban huấn luyện đội TDDC Việt Nam từng phân tích.

IMG_8687.jpg
Tuyển thủ TDDC Việt Nam luôn ở nhóm đầu tại SEA Games nhưng chưa thể có suất chính thức dự Olympic 2024. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Thêm điều khó nữa, TDDC Việt Nam chưa thuê được chuyên gia nước ngoài. Liên đoàn thể dục Việt Nam và ban huấn luyện đội tuyển đã xúc tiến làm việc thuê chuyên gia Nhật Bản ở năm 2023, năm 2024 nhưng với những ràng buộc về thời gian, thể dục Việt Nam chưa cụ thể được con người phù hợp. Nhiều ý kiến cho rằng, TDDC Việt Nam cần xem cách đầu tư của TDDC Philippines để có thêm kế hoạch đầu tư hiệu quả: đó là cử tuyển thủ tập huấn dài hạn tại Nhật Bản ngay từ nhỏ, trong đó có thành công của tuyển thủ Carlos Yulo. Dẫu vậy, điều quan trọng là cần nguồn lực lâu dài thì chúng ta chưa có điều này.

Tại Đông Nam Á, TDDC Việt Nam luôn đứng ở nhóm đầu. Bước ra đấu trường châu Á, chúng ta đã giành được huy chương sáng giá (mới nhất là HCB của Nguyễn Văn Khánh Phong). Tuy nhiên, để khẳng định được khả năng với đấu trường Olympic, TDDC Việt Nam vẫn phải tiếp tục đầu tư.

Như vậy, chúng ta liên tiếp có suất chính thức dự Olympic từ năm 2008 (Đỗ Thị Ngân Thương), năm 2012 (Phạm Phước Hưng, Phan Thị Hà Thanh, Đỗ Thị Ngân Thương), năm 2016 (Phạm Phước Hưng, Phan Thị Hà Thanh), năm 2020 (Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành) nhưng năm nay không thành công.

Tin cùng chuyên mục