> Thể thao Việt Nam không thể xem nhẹ vấn đề doping
9 năm trước, Bộ VH-TT-DL đã ban hành Thông tư số 17/2015/TT-BVHTTDL Quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao. Tiếp đó, năm 2023, Bộ VH-TT-DL ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BVHTTDL sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2015/TT-BVHTTDL Quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao. Tuy nhiên, sau một thời gian cần có sự cập nhật với các Quy định về phòng, chống doping của Tổ chức phòng chống doping quốc tế WADA cũng như phải phù hợp với thực tiễn, Thông tư mới 01/2024/TT-BVHTTDL được xây dựng để thực thi điều này. Các nội dung được nhấn mạnh ở Thông tư hiện tại chính là đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông; kiểm tra doping; quản lý kết quả; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong phòng, chống doping. Đồng thời công tác phòng, chống doping trong hoạt động thể thao được thực hiện theo quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới, các tiêu chuẩn quốc tế của WADA và quy định phòng, chống doping của Việt Nam.
“Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thể thao, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thể thao tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia hoạt động thể thao tại nước ngoài”, nội dung được quy định cụ thể ở Thông tư 01/2024/TT-BVHTTDL.
Trên thực tế, thể thao Việt Nam đã gặp không ít trường hợp có mẫu thử dương tính với chất cấm (doping) khi thi đấu quốc tế và trong nước. Trường hợp mới nhất là tuyển thủ Trần Hà Vi của đội aerobic Việt Nam có mẫu thử dương tính tại giải vô địch châu Á 2023, qua đó bị WADA cấm thi đấu trong 2 năm. Trước Hà Vi, Việt Nam gặp sự cố 5 tuyển thủ đội tuyển điền kinh quốc gia dính doping khi dự SEA Games 31 và tất cả đã nhận án phạt cấm thi đấu từ 16 tới 18 tháng. Đội tuyển cử tạ Việt Nam ở giai đoạn gần nhất có 4 trường hợp tuyển thủ dính doping khi thi đấu các giải trong nước, quốc tế và nhận án phạt nặng: cấm thi đấu 4 năm. Trong số này, tuyển thủ Trịnh Văn Vinh đã kết thúc án cấm thi đấu và trở lại tập luyện, thi đấu chính thức hơn 1 năm qua. Với thể thao trong nước, chúng ta đã phát hiện các trường hợp doping ở môn thể hình, cử tạ khi VĐV thi đấu Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022. Về mặt quản lý, công tác bảo mật thông tin, kết quả mẫu thử do Trung tâm doping và Y học thể thao Việt Nam xử lý do vậy từng trường hợp VĐV dính doping phải chấp hành án phạt đúng theo quy định trong Thông tư số 17/2015/TT-BVHTTDL.
Ở Thông tư mới 01/2024/TT-BVHTTDL, nội dung quy định rõ ở thẩm quyền kiểm tra doping là: “Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam có quyền kiểm tra doping đối với mọi VĐV theo Bộ luật Phòng, chống doping thế giới; Cơ quan quản lý VĐV, Ban tổ chức các giải thi đấu thể thao đề nghị Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam kiểm tra doping VĐV trong trường hợp cần thiết theo Bộ luật Phòng, chống doping thế giới; Trong trường hợp các Liên đoàn thể thao quốc tế ủy quyền hoặc yêu cầu kiểm tra doping, Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam phối hợp với các Liên đoàn thể thao liên quan thực hiện kiểm tra doping theo quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới, tiêu chuẩn quốc tế về Kiểm tra và Điều tra của Tổ chức Phòng, chống doping thế giới...”.
Trong triển khai công tác chuyên môn của Cục TDTT với Trung tâm doping và Y học thể thao Việt Nam đầu năm 2024, việc lấy mẫu kiểm tra doping tại các giải thể thao quốc gia trong nước được thực hiện theo quy định. Tuy vậy, số lượng mẫu là hạn chế do nguồn kinh phí không nhiều. Chính vậy, việc thực hiện giáo dục ý thức đối với phòng, chống doping cho HLV, VĐV tại các giải thể thao quốc gia được đẩy mạnh nhằm nâng cao ý thức trực tiếp tới từng người.