Thể thao Việt Nam không thể xem nhẹ vấn đề doping

Một lần nữa, thể thao Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng hình ảnh đáng kể khi có tuyển thủ quốc gia dương tính với chất cấm (doping) và điều này sẽ khiến nhà quản lý phải đau đầu xử lý.

Việc giáo dục về nội dung phòng, chống doping luôn được thực hiện nhưng VĐV phải biết tầm quan trọng của vấn đề này để tránh mắc phải. Ảnh: CỤC TDTT
Việc giáo dục về nội dung phòng, chống doping luôn được thực hiện nhưng VĐV phải biết tầm quan trọng của vấn đề này để tránh mắc phải. Ảnh: CỤC TDTT

> Vì sao tuyển thủ aerobic Việt Nam dương tính với chất cấm (doping)?

Thể thao Việt Nam đã bị ảnh hưởng nhiều về hình ảnh sau SEA Games 31 (năm 2022) khi trong các mẫu kiểm tra, ban tổ chức đã phát hiện 5 mẫu thử dương tính với chất cấm (doping). Lúc đó, cả 5 mẫu thử đều từ các VĐV của đội tuyển điền kinh Việt Nam và từng trường hợp đã bị phạt, cấm thi đấu theo thời hạn quy định. Đó là chưa kể trong thời gian chuẩn bị SEA Games 31, chúng ta đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra và phát hiện khoảng 6 trường hợp dương tính doping ở môn thể hình, sau đó các VĐV đã bị loại không được tham dự Đại hội. Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2023, thể thao Việt Nam tiếp tục phát hiện các trường hợp dính doping và những phương án kỷ luật cũng được đưa ra.

Trong thời gian chuẩn bị SEA Games 32, khi gặp mặt báo chí, Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt đã khẳng định “thể thao Việt Nam luôn nói không và không bao giờ có chủ trương trong việc sử dụng chất bị cấm (doping). Việc giải quyết các vấn đề về doping luôn rất cẩn trọng vì phải thấu hiểu từng nguyên do, từng trường hợp vì sao vi phạm chất cấm. Trên hết, ngành thể thao luôn đề cao công tác giáo dục tư tưởng, sự kiểm tra sát sao của các đội tuyển quốc gia tới các VĐV”. SEA Games 32 và ASIAD 19, VĐV thể thao của Việt Nam có trong danh sách lấy mẫu thử kiểm tra sau thi đấu và không trường hợp nào dương tính, vi phạm.

Bây giờ, câu chuyện doping lại tiếp tục có trường hợp tuyển thủ thể thao Việt Nam ở môn aerobic (tại giải vô địch châu Á 2023). Thực tế, với bất kỳ lý do gì thì việc tuyển thủ dính doping và đã được Liên đoàn thể dục thế giới (FIG) công bố chính thức danh tính, chất cấm đã vi phạm và giải đấu đã cho mẫu thử dương tính là chính xác, không thể biện minh. Điều buồn là, liên tiếp các năm 2022, 2023 thì thể thao Việt Nam đều có tuyển thủ dính doping ở giải quốc tế.

img-6947-4285.jpg
Sự vụ doping ở đội tuyển aerobic Việt Nam là điều đáng tiếc cho thể thao chúng ta. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam là cơ quan của ngành thể thao đang thực hiện các chương trình về lĩnh vực này.

Ở cuộc làm việc cùng lãnh đạo Cục TDTT tháng 2-2024, một trong những nhiệm vụ trọng tâm ở năm 2024 mà đơn vị này tổ chức các lớp về giáo dục truyền thông, phòng, chống doping tại các Trung tâm HLTTQG Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Có lớp dành cho các cộng tác viên về giáo dục truyền thông phòng, chống doping tại Hà Nội. Trung tâm đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống doping trực tiếp tại 15 giải đấu thể thao của các Liên đoàn tổ chức và Hướng dẫn VĐV, người hỗ trợ VĐV tham gia các khóa học và kiểm tra lấy chứng chỉ trên hệ thống ADEL của Tổ chức phòng chống doping quốc tế - WADA.

Xuyên suốt năm 2023, nhiều môn thể thao khi tổ chức giải vô địch quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam thực hiện lớp truyền thông về phòng, chống doping trực tiếp tới HLV, VĐV dự giải. Trên hết, ý nghĩa của nội dung là để VĐV phải hiểu được tầm quan trọng của công tác phòng, chống doping cũng như sự ảnh hưởng cho chính bản thân mình, thể thao Việt Nam nếu dính doping.

Mọi công tác đều mang ý nghĩa phòng, chống. Thực tế luôn khó lường tới. Như trường hợp của tuyển thủ đội aerobic Việt Nam đã được công bố chính thức dính doping vừa qua đã được đại diện Liên đoàn thể dục Việt Nam cho biết đã tự ý sử dụng thuốc chữa bệnh viêm đường tiết niệu và vô tình dính chất cấm. Hẳn nhiên, từng đội tuyển thể thao quốc gia đều được tuyên truyền phòng, chống doping nhưng việc thực hiện sẽ cần chặt chẽ hơn, tránh các trường hợp đáng tiếc như thế này.

Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam đang sớm hoàn thiện Dự thảo Thông tư Quy định về phòng, chống doping trong thể thao đảm bảo đúng yêu cầu về thời gian từ WADA. Bộ VH-TT-DL đã ban hành Thông tư Quy định về phòng, chống doping trong thể thao số 17/2015/TT-BVHTTDL ngày 30-12-2015 và Thông tư số 01/2023/TT-BVHTTDL ngày 21-2- 2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2015/TT-BVHTTDL nhưng có nhiều điểm chưa phù hợp với Bộ luật phòng, chống doping thế giới. Dự thảo Thông tư mới được dự kiến hoàn thành trong tháng 7-2024.

Tin cùng chuyên mục