Điều chỉnh chiến lược

Sau Asiad 2018, 4 đội tuyển bơi lội, điền kinh, cử tạ và xe đạp được mổ xẻ nhiều về mức độ đầu tư để thành công cũng như cách nhìn nhận thất bại cần điều chỉnh về chuyên môn và vai trò của các HLV. 
VĐV điền kinh Quách Thị Lan (845) dù chỉ tập huấn trong nước nhưng thi đấu rất thành công ở Asiad 2018. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
VĐV điền kinh Quách Thị Lan (845) dù chỉ tập huấn trong nước nhưng thi đấu rất thành công ở Asiad 2018. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Rõ ràng, 4 gương mặt chủ lực Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Lê Tú Chinh (điền kinh), Thạch Kim Tuấn (cử tạ) và Nguyễn Thị Thật (xe đạp) đã chịu không ít áp lực, thậm chí là hụt hẫng với chính kết quả thi đấu của mình ở sân chơi châu lục, nơi mà họ được nhìn nhận là đủ khả năng tranh chấp thành tích.

Bản thân các VĐV không hề muốn thất bại vì đã luôn tận tâm, tận sức với môn thể thao mình theo đuổi. Thế nên, họ cần nhận được sự sẻ chia từ nhiều phía (ngành TDTT và dư luận) để tiếp tục vững bước trong sự nghiệp, ít nhất là sau những gì họ từng cống hiến cho thể thao nước nhà ở các giải đấu quốc tế trước đó, như SEA Games, giải châu Á, Olympic…

Tất nhiên, việc dư luận đề cập đến vấn đề phải thay đổi HLV cho Ánh Viên, Kim Tuấn hoàn toàn dựa trên đánh giá về mặt chuyên môn và về tầm mức đầu tư cho VĐV so với nhiều đồng nghiệp hay môn thể thao khác. Tổng cục TDTT cũng đã thừa nhận sẽ điều chỉnh chiến lược (chứ không hẳn là xóa bài làm lại), đồng thời giám sát kỹ lưỡng hơn quá trình tập huấn và thi đấu quốc tế của những VĐV nằm trong nhóm chủ lực của thể thao Việt Nam.

Tạm thời, Ánh Viên vẫn cùng HLV Đặng Anh Tuấn tiếp tục tập huấn ở Mỹ, chứ không dừng kế hoạch lại vì đã được lập trình từ trước. Có thể cô thua ở đấu trường hiện tại, nhưng lại có động lực để vươn lên và chiến thắng ở những sân chơi khác, tất cả không ngoài mục tiêu rạng danh thể thao nước nhà. Còn thay đổi HLV cho kình ngư này là điều cần thiết, nhưng phải sau khi Tổng cục TDTT đánh giá lại thực chất của cả chuyến tập huấn của Ánh Viên ở Mỹ trong vài năm qua.

Tương tự, lực sĩ Thạch Kim Tuấn nếu được nâng hạng cân (63kg thay vì 56kg) để phù hợp với thể trạng và được một chuyên gia nước ngoài giỏi huấn luyện chuyên biệt, chắc chắn anh sẽ được nhìn nhận là gương mặt quan trọng nhất của đội tuyển cử tạ Việt Nam ở mọi cấp độ giải đấu, bởi lẽ tiềm năng thành tích chưa được khai thác hết.

Trong khi đó, Lê Tú Chinh mới chỉ bước đầu làm quen với môi trường huấn luyện cấp cao tại Mỹ, lại phải đổi chuyên gia đến vài lần để tìm ra người phù hợp, thì việc không đạt được thông số thành tích như mong muốn ở các cự ly sở trường 100m và 200m nữ theo đánh giá từ Tổng cục TDTT là điều nằm trong tính toán. Nữ VĐV chạy cự ly ngắn số 1 Đông Nam Á vẫn được tin tưởng là chỗ dựa cho tương lai của điền kinh Việt Nam, bởi lẽ đích ngắm cho cô chính là tấm vé đến Olympic Tokyo 2020 ở Nhật Bản.

Asiad 2018 giúp thể thao Việt Nam vỡ ra nhiều điều, có sự so sánh và đánh giá xác đáng hơn về những VĐV đang được đầu tư quyết liệt ở nước ngoài với các VĐV chỉ tập huấn trong nước nhưng lại giành được thành tích vượt ngoài mong đợi (Nguyễn Huy Hoàng ở môn bơi lội, Quách Thị Lan và Bùi Thị Thu Thảo ở môn điền kinh), trước khi bước vào guồng quay mới vì đấu trường Olympic 2020…

Tin cùng chuyên mục