Xung quanh bản quyền truyền hình giải bóng đá ngoại hạng Anh (EPL): Xin đừng “vụng chèo, khéo chống”

Trước thông tin Canal Plus chi 40 triệu USD để K+ giành thế độc quyền phát sóng các trận đấu EPL hấp dẫn ngày thứ bảy và chủ nhật, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến của độc giả không đồng tình với kiểu “độc quyền” này…

Trước thông tin Canal Plus chi 40 triệu USD để K+ giành thế độc quyền phát sóng các trận đấu EPL hấp dẫn ngày thứ bảy và chủ nhật, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến của độc giả không đồng tình với kiểu “độc quyền” này…

  • Méo mó thị trường

Không thể nói là VTV “vô can” nếu như đài K+ có bản quyền dù bất kỳ dưới hình thức nào. Thứ nhất, VTV là đại diện của các nhà đài tại Việt Nam để đàm phán với IMG nên họ phải có trách nhiệm nắm rõ những động thái của đối tác này. Thứ hai là VTV chiếm 51% cổ phần trong liên doanh của đài K+ nên không thể có chuyện đối tác của họ muốn làm gì thì làm rồi báo cho họ khi chuyện đã rồi.

Đâu thể có chuyện đối tác Canal Plus mua chương trình nào rồi K+ cứ phát vô tư được vì như vậy thì vai trò của VTV ở đâu? Xin nhớ là VTV ngoài chuyện kinh doanh kiếm tiền thì nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là một đài truyền hình quốc gia, là “cánh tay nối dài” của các cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường truyền hình Việt Nam. Không thể có chuyện Canal Plus “cho” K+ bản quyền EPL để rồi làm méo mó thị trường truyền hình mà VTV lại bàng quan được.

PHƯƠNG YẾN (quận Bình Thạnh TPHCM)

  • Đừng so sánh kiểu đó

Liên quan đến việc mua bản quyền truyền hình EPL, có khá nhiều thông tin cho rằng dù phải mua giá rất cao nhưng bản quyền tại Việt Nam vẫn ít hơn nhiều lần so với khu vực Đông Nam Á nên tính ra thì người hâm mộ Việt Nam vẫn sướng hơn nơi khác. Cũng có người nói là khán giả Việt Nam nên làm quen với việc phải trả tiền cao cho các sản phẩm tốt.

Nói như vậy chẳng khác nào là một kiểu ngụy biện cho các nhà đài mà ở đây là K+. Không nên đưa ra các kiểu so sánh như vậy bởi bản quyền EPL là một dạng sản phẩm cung cấp theo nhu cầu và tùy thị trường chứ làm gì có mức giá chung. Mức giá này tùy vào thu nhập bình quân từng quốc gia chứ đâu phải ở Thái Lan bán giá cao thì ở ta cũng vậy.

Hơn nữa, dù hiện nay muốn xem truyền hình chất lượng thì phải trả tiền nhưng rõ ràng mặt bằng phí thuê bao chung là rất thấp nếu không nói là gần như miễn phí. Trong khi đó, chỉ để xem bóng đá Anh, phải tốn gấp nhiều lần chỉ để có thêm 1-2 kênh phát sóng, chẳng khác nào ép người hâm mộ phải mua giá cao nhờ lợi thế độc quyền là gì. Không thể đánh đồng việc trả tiền nhiều để mua một sản phẩm chất lượng cao với việc tốn nhiều tiền chỉ vì bị độc quyền.
nguyenthuyo@yahoo.com
 

  • Đừng đá bóng trách nhiệm cho khán giả

Các nhà quản lý cho rằng khán giả chúng tôi có thể phản đối việc K+ độc quyền bằng cách tẩy chay, không mua thuê bao của K+ nữa. Nói như vậy thì dễ quá nhưng thử đặt trường hợp là lỡ mê bóng đá Anh quá thì phải làm sao? Chẳng khác gì người hâm mộ Việt Nam bị các doanh nghiệp nước ngoài bắt làm con tin rồi còn gì nữa.

Hãy đặt trường hợp nếu có quy định về việc không được độc quyền thì liệu K+ có cố mua bằng mọi giá hay không? Không cần phải có luật chống độc quyền, chỉ cần các đài tại Việt Nam tôn trọng thỏa thuận với nhau thì đối tác nước ngoài làm sao “ép” được . Trong trường hợp họ không bán và khán giả không xem được EPL tại Việt Nam, tôi tin là khán giả cũng sẽ thông cảm, chấp nhận.

Hơn nữa, nếu các đài cùng tôn trọng thỏa thuận thì dù có mua giá cao thì số lượng người được xem cũng nhiều khi đài nào cũng có phát sóng EPL, đồng thời tính riêng từng đài thì chi phí mua bản quyền cũng không cao. Tôi vẫn nghĩ rằng, giá bản quyền EPL cao như hiện nay xuất phát từ việc độc quyền mà ra chứ thực tế, giá gốc bản quyền EPL không cố định trên toàn thế giới.

NGUYỄN ĐỨC HIẾU (huyện Bình Chánh TPHCM) 

Đ.LINH (ghi)

Tin cùng chuyên mục