Bóng đá Sài Gòn - Bao giờ cho đến...

Kỳ 1: Thời vàng son

Một cựu tuyển thủ miền Nam trước đây có lần tâm sự với người viết: “Thời chúng tôi, muốn đá banh giỏi, muốn thành danh là phải lên Sài Gòn. Chỉ chơi cho các đội bóng ở Sài Gòn thì mới mong có cơ hội đi tuyển (tức khoác áo đội tuyển quốc gia), mong đổi đời”.

Dù lúc bấy giờ, việc chơi bóng đá chỉ là thú đam mê, chứ không phải chuyên nghiệp, không “cơm gạo” như bây giờ, nhưng hai chữ “đổi đời” ở đây đồng nghĩa với việc trở thành một cầu thủ đúng nghĩa, được nhiều người biết tiếng, mến mộ.

Hầu hết các danh thủ từng vang bóng một thời đều “trôi dạt” từ Nam kỳ lục tỉnh lên đất Sài Gòn. Họ rời quê hương, mảnh sân ruộng lồi lõm để đến với bãi cỏ xanh tươi, với đôi “cờ răm bông” (giày đinh) mới toanh, với hàng chục ngàn khán giả ngồi chật cứng các bậc khán đài xem họ phô diễn kỹ thuật siêu hạng.

Thời ấy, bóng đá Sài Gòn đúng là “vàng son”, được hiểu theo nghĩa hẹp. Tức không phải đá bóng được vàng, mà được tiếng tăm của cầu thủ quý như những thỏi vàng ròng. Trước hết phải kể đến đội bóng Việt Nam đầu tiên được thành lập, đội Gia Định Sports (năm 1906) tập luyện tại sân Fourières, trước lăng Lê Văn Duyệt, còn gọi là sân lò heo.

11 năm sau, Gia Định Sports đá bại đội bóng Tây Cercle Sportif Saigonnais 1-0 đoạt chức vô địch đầu tiên, mở đầu trang sử bóng đá Việt Nam nói chung và bóng đá Sài Gòn nói riêng thật oanh liệt, hào hùng, trong đó có việc tẩy chay làng bóng thực dân, tự mình lập Tổng cục túc cầu riêng, tự tổ chức giải đấu và du đấu riêng.

Năm 1959, bóng đá Sài Gòn đại diện Việt Nam dự SEAP Games lần 1 và xuất sắc đá bại Thái Lan hai trận liền 4-0 (vòng loại bảng) và 3-1 (chung kết), đoạt huy chương vàng duy nhất cho đến tận ngày nay.

Nối tiếp thành công này, bóng đá Sài Gòn còn đoạt các huy chương bạc năm 1967, 1973, huy chương đồng 1965, 1971 ở các SEAP Games sau đó. Những danh thủ thời ấy có “lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng, Lê Văn Tỷ, Nguyễn Văn Cụt, Lê Văn Hồ, Phạm Văn Hiếu, Đỗ Thới Vinh, Nguyễn Ngọc Thanh, Hà Tam...

Không dừng lại, với sự dẫn dắt của thủ quân Phạm Huỳnh Tam Lang, cùng giàn cầu thủ siêu hạng như thủ môn Lâm Hồng Châu, Hồ Thanh Chinh, Lại Văn Ngôn, Phạm Văn Lắm (Lắm rổ), Đỗ Thới Vinh (Vinh đầu sói), Nguyễn Văn Chiêu, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Văn Ngôn, Nguyễn Văn Mộng, Nguyễn Ngọc Thanh, Dương Văn Thà... đã giành thắng lợi vang dội tại Merdeka Cup 1966, giải đấu được đánh giá lớn nhất khu vực châu Á lúc bấy giờ.

Trận đầu, Việt Nam thắng Singapore 5-0, Nhật Bản 3-0, chủ nhà Malaysia 2-1, thua Ấn Độ 0-3, nhưng cũng đủ điểm xếp nhất bảng B vòng đấu loại, giành quyền vào chung kết, đá bại Myanmar (lúc ấy gọi là Miến Điện) 1-0.

Thời vàng son của bóng đá Sài Gòn còn được điểm thêm những trận đấu đáng được gọi là “kỳ tích”, như việc đoạt Cúp Liên cảng 1934, sau khi thắng chủ nhà Hồng Công 3-1 và 6-0, trận hòa Hàn Quốc 2-2 ngay tại Sài Gòn trong khuôn khổ vòng loại World Cup, thắng Israel 2-0 ngay tại Tel Aviv loại đội này khỏi vòng loại Olympic...

Kỳ 2: Trụ cột bóng đá Việt Nam thập niên 90

LINH GIAO – MINH HÙNG

Tin cùng chuyên mục