Phần lớn các CĐV đặc biệt ấy là nam giới, với số đông tạo nên bầu không khí nhộn nhịp thuộc tầng lớp lao động đến từ các quốc gia Nam Á (Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và Nepal). Ngoài ra, còn có nhóm người mang quốc tịch châu Phi. Tất cả đã góp sức xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho 64 trận cầu đỉnh cao ở World Cup 2022. Trận đấu vào tối 21-11 là dịp để họ ngồi lại cùng nhau, không chỉ đi tìm niềm vui cùng trái bóng mà còn đánh giá thành quả lao động của mình trong suốt thời gian làm việc cực nhọc.
Ngôn ngữ chung bóng đá
Cách fanzone chính thức đặt tại công viên Al Bidda - trung tâm thủ đô Doha - khoảng 30km về phía Tây Nam, khu fanzone dành cho lao động nhập cư của Qatar không kém phần háo hức. Cổng vào được mở từ 20-30 phút trước lễ khai mạc. Thời lượng 30 phút kéo dài của buổi lễ, người hâm mộ đã hò reo, từ màn trình diễn ấn tượng của giọng ca Jungkook thuộc nhóm BTS nổi tiếng Hàn Quốc cho đến Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani tuyên bố khai mạc.
Âm nhạc là “món ăn tinh thần” của các lễ hội bóng đá, và fanzone dành cho công nhân cũng thế. Ở đây thuê một DJ chơi nhiều bản nhạc nổi tiếng của Ấn Độ, bao gồm cả bản nhạc cổ điển “Mundian to Bach Ke” của Panjabi MC đã làm đám đông vô cùng yêu thích. Các quầy hàng ẩm thực cũng rộn tiếng người chào kẻ mua. Thông qua camera điện thoại, những công nhân ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ ở đêm khai mạc World Cup, và các tấm hình sẽ được gửi về cho gia đình của họ.
Khi tiếng còi khai cuộc từ trọng tài người Ý Daniele Orsato vang lên, mọi sự chú ý đều đổ dồn vào màn hình tivi khổng lồ. Mỗi pha cầm bóng hay phản công của các cầu thủ Qatar đều nhận được những tràng pháo tay vang dội của hàng nghìn CĐV theo dõi. Cuộc vui có thể trầm lại với thất bại 0-2 của đội chủ nhà, nhưng chẳng người hâm mộ nào buồn vì họ thừa hiểu rõ chênh lệch đẳng cấp với Ecuador rất lớn.
Kênh truyền thông Al Jazeera dẫn lời của CĐV Mohammad Hossein, 45 tuổi đến từ Bangladesh: “Ở fanzone nhưng tôi nghĩ mình đang ở trên sân. Bầu không khí vô cùng thấy phấn khích”. Hay Pradeep mang quốc tịch Ấn Độ cho biết, bản thân vô cùng thích thú với bầu không khí này. “Chúng tôi sẽ ra phố ăn mừng nếu Qatar giành chiến thắng ở một trận đấu World Cup”, ông nói.
Qatar với dân số chỉ khoảng 2,8 triệu người đã trở thành quốc gia Trung Đông đầu tiên đăng cai World Cup. Để kỳ World Cup lịch sử này được lăn bóng đúng tiến độ, nước chủ nhà cần nguồn lao động dồi dào đến từ các nước. Một số công nhân vừa tan ca làm nên vẫn còn khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ lao động chạy đến fanzone để không phải bỏ lỡ một phút lịch sử nào của trận khai mạc. Họ trao nhau câu hỏi có thể nghỉ làm để theo dõi các trận đấu tiếp theo hay không?
CĐV Muhammad Hossein từng là công nhân làm công việc xây dựng một ga tàu điện ngầm ở Doha - một phần của dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ World Cup 2022. Và giờ, ông đang làm việc nhà ga với tư cách là người gác cổng. “Để có thể đăng cai World Cup lần đầu tiên là cả vấn đề rất lớn của Qatar. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ góp được một phần sức lực để phục vụ cho giải đấu này. Điều đó rất tuyệt vời khi trở thành một phần quan trọng của quốc gia này”, Hossein chia sẻ.
“Qatar không có tàu điện ngầm hay xe buýt mà bạn thấy trên đường. Tất cả những tòa nhà cao tầng, đường cao tốc hay các cơ sở giao thông khác có lẽ sẽ không tồn tại nếu sự kiện bóng đá khổng lồ này không diễn ra. Tôi rất vui khi nói rằng, những người lao động nhập cư đã đóng một vai trò lớn”, Peter - một công nhân đến từ Ấn Độ chia sẻ. “Trong cuộc đời này, có lẽ đất nước của tôi sẽ không đủ điều kiện tham dự hoặc đăng cai World Cup”.
Trái bóng làm mê hoặc con tim của mọi tầng lớp xã hội. Ngồi kề bên nhau, giữa họ chỉ có chung ngôn ngữ bóng đá, là ánh mắt theo dõi theo bước chạy của các cầu thủ, là niềm vui ập đến khi đội bóng yêu thích có bàn thắng hay cùng nhau chia sẻ nỗi buồn thất bại. Để rồi khi trận đấu khép lại, cũng đã vào tối muộn, những công nhân nhập cư tranh thủ chợp mắt để tái tạo năng lượng cho ngày làm việc mới. Niềm vui bóng đá chỉ nhỏ trong cuộc sống, nhưng sẽ tiếp thêm tinh thần lạc quan cho các công nhân bước tiếp hành trình của mình, cho “giấc mơ đổi” đời ở quốc gia luôn bị lên án về nhân quyền và bóc lột sức lao động.