Một tuần trước khi World Cup 2022 khai cuộc, thế giới vừa đón chào công dân thứ 8 tỷ. Theo các báo cáo, dự kiến có hơn 5 tỷ người sẽ theo dõi ngày hội bóng đá 4 năm mới diễn ra một lần này. Trong đó, khoảng 1,5 triệu du khách trực tiếp đến Qatar để hòa mình cùng giải đấu. Vì thế, một lượng tiền lớn sẽ đổ về quốc gia Trung Đông xuyên suốt thời gian trái bóng Al Rihla được lăn.
FIFA đã... nuốt gần trọn miếng bánh
Hầu hết các quốc gia đăng cai World Cup đều chi từ vài đến hàng chục tỷ USD cho việc chuẩn bị, phát triển cơ sở hạ tầng sân bãi, giao thông, khách sạn... và nhiều hạng mục có liên quan khác. Ví dụ Brazil đã chi 15 tỷ USD cho World Cup 2014, còn ở Nga năm 2018 là 11 tỷ USD, Đức vào năm 2006 cũng mất 4,3 tỷ USD... Và Qatar đã biến mùa giải 2022 trở thành kỳ World Cup đắt đỏ nhất lịch sử với mức đầu tư 220 tỷ USD.
Chưa rõ con số thu về của Qatar bao nhiêu, nhưng phần lớn các “đời” chủ nhà đi trước thường không thu hồi được vốn.
Truyền thông Qatar nhấn mạnh: World Cup là máy quay tiền của FIFA. World Cup trên đất Nga cách đây 4 năm, bản quyền truyền hình đã bán cho các đài truyền hình với giá 4,6 tỷ USD. Nhưng nguồn tiền này được giữ bởi FIFA. Kể cả việc bán vé theo dõi các trận đấu cũng thuộc một công ty con do FIFA sở hữu 100% vốn. Các hoạt động thương mại và tiếp thị thu về hơn 1 tỷ USD cũng do FIFA kiểm soát.
Bị ép giảm tiền thuế
World Cup 2022 diễn ra trên sân nhà, Qatar chắc chắn đón lượng khách du lịch tăng đột biến. Điều này kéo tăng doanh thu cho các khách sạn, nhà hàng và dịch vụ đi kèm. Nhưng cung thì đi đôi với cầu, đòi hỏi nơi cung cấp dịch vụ phải nâng cao công suất phục vụ. Vì thế, sẽ phát sinh thêm một khoảng không hề nhỏ, bao gồm công sức lẫn tiền bạc. Và ai được lợi?
Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết: “Giá khách sạn chắc chắn tăng trong một sự kiện đầy ắp khán giả nhưng lương của những công nhân sẽ không nhất thiết phải tăng với số lượng tương ứng. Điều đó có nghĩa là những người kinh doanh sẽ thu hồi vốn nhanh hơn thay vì nguồn tiền sẽ đến với những người lao động”. Nói nôm na, người giàu sẽ giàu thêm mà người nghèo thì vẫn nghèo.
Hơn nữa, khách du lịch mùa World Cup mua hàng hóa, đồ uống hoặc bất cứ thứ gì khác từ các thương hiệu đối tác của FIFA sẽ không phải đóng góp vào doanh thu thuế của Qatar. Bởi FIFA và các thương hiệu tài trợ của FIFA được yêu cầu giảm thuế trong kỳ World Cup. Năm 2006, Đức đã mời chào 272 triệu USD giảm thuế trong nỗ lực đăng cai World Cup.
Nước chủ nhà khó kiếm được tiền từ việc tổ chức World Cup. Nhưng vì sao các quốc gia rất muốn đăng cai? Bởi có một số thứ còn ma lực hơn đồng tiền.
Đăng cai World Cup - một sự kiện nhận được sự quan tâm rất lớn từ cánh truyền thông và có hàng tỷ người theo dõi, đó cũng là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để Qatar, trước đó là Nga, Brazil, Nam Phi... quảng bá hình ảnh đất nước, con người với bạn bè năm châu. Nước chủ nhà sẽ cho cả thế giới thấy rõ cơ sở hạ tầng mới tốt thế nào để thu hút vốn đầu tư hoặc kinh doanh.
Hậu World Cup, về lâu dài, số tiền chi cho việc tổ chức giải đấu, bao gồm cả cơ sở vật chất nếu được quản lý đúng cách sẽ mang lại lợi ích kinh tế, mở rộng nội lẫn ngoại lực cho quốc gia đó.
Các sự kiện thể thao quốc tế sẽ thu hẹp khoảng cách xã hội và đưa mọi người xuyên biên giới để đến gần nhau hơn. Tiêu biểu khi Thế vận hội mùa đông năm 2018 đã chứng kiến các vận động viên Triều Tiên và Hàn Quốc diễn hành ở lễ khai mạc dưới một lá cờ chung. Đồng thời, tổ chức sự kiện thể thao sẽ khuyến khích trẻ em tham gia thể thao, mang lại lợi ích cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia trong tương lai.
Với nước chủ nhà, được đăng cai một kỳ World Cup là niềm tự hào, danh dự hơn là chuyện kiếm tiền. Và Qatar đã mở rộng vòng tay, mở rộng ngôi nhà của mình để nói với thế giới: “Hayya, bạn được chào đón ở đây”.