Sau 16 năm hành nghề, sự cố gắng và cầu thị đã giúp trọng tài Muhammad Taqi vượt qua bài sát hạch đầy gắt gao của FIFA để chính thức được làm nhiệm vụ ở World Cup 2022. Ông cũng là trọng tài Singapore thứ 5 trong lịch sử được điều hành ở một kỳ World Cup.
Vị trọng tài quen mặt của CĐV Việt Nam
Trọng tài Muhammad Taqi có trận ra mắt giải Ngoại hạng Singapore vào năm 2006, và 6 năm sau được công nhận trọng tài FIFA. Sự nghiệp của “vua áo đen” này thăng tiến từ đó, khi lần lượt được chỉ định làm nhiệm vụ ở các giải trẻ châu Á, AFC Champions League, Asian Cup, ASIAD, Olympic và U20 Thế giới. Năm ngoái, ông thuộc tổ trọng tài VAR ở trận chung kết môn đá nam Olympic Tokyo giữa Brazil và Tây Ban Nha.
Là trọng tài cứng cựa của AFC, ông Taqi từng 3 lần được phân công điều hành trận đấu của các cầu thủ Việt Nam tại sân chơi châu lục. “Vua áo đen” người Singapore bắt chính trận bán kết Giải U23 châu Á 2018 giữa U23 Việt Nam - U23 Qatar, trận Việt Nam - Iran (vòng bảng Asian Cup) và ngồi phòng VAR trận Việt Nam - Trung Quốc (vòng loại World Cup 2022)
Trong đó, trận bán kết giữa U23 Việt Nam và U23 Qatar đã để lại cho CĐV Việt Nam ấn tượng không mấy tốt đẹp về vị trọng tài này. Số đông người hâm mộ nhận định, ông Taqi đã “xử ép” thầy trò HLV Park Hang-seo và đưa ra những quyết định có lợi cho U23 Qatar. Cộng đồng mạng trong nước đã dành những lời “gạch đá” về phía “vua áo đen” người Singapore. Nên các trận đấu của các đội tuyển Việt Nam sau này, hễ ông Taqi được chỉ làm nhiệm vụ thì cụm từ: “Người quen của bóng đá Việt Nam” lại xuất hiện.
Trọng tài Đông Nam Á duy nhất ở World Cup 2022
“Thật sự rất xúc động. Tôi mừng đến rơi nước mắt... Thú thật, tôi không ngờ cơ hội được trao cho một trọng tài người Singapore, một quốc gia nhỏ bé trên bản đồ thế giới”, trang chủ của kênh truyền hình Channel NewsAsia (Singapore) dẫn lời của trọng tài Muhammad Taqi.
“Đây là điều mà tôi mong ước từ lâu. Tôi thực sự đã làm việc chăm chỉ. Vai trò của bạn ở World Cup 2022 có thể là trọng tài, hay trợ lý trọng tài, hoặc trọng tài VAR và thậm chí trọng tài dự bị. Nhưng với vai trò nào thì việc được giao nhiệm vụ ở giải đấu danh giá này đã phản ánh sự chăm chỉ mà bạn đã cố gắng trong những năm qua”, vị trọng tài này tiếp lời.
Giải đấu trên đất Qatar, ông Taqi được chỉ định điều hành phòng VAR. Đây cũng là kỳ World Cup thứ 2 liên tiếp có sự hỗ trợ từ công nghệ này. Còn việc “vua áo đen” người Singapore và cả các đồng nghiệp khác được phân công làm nhiệm vụ ở trận đấu nào sẽ được FIFA công bố sát ngày bóng lăn.
Tương tự các giải đấu trên thế giới, VAR được sử dụng ở World Cup 2022 trong 4 tình huống. Thứ nhất, xác định bàn thắng hay không bàn thắng. Thứ 2, xác định phạt đền hay không phạt đền. Thứ 3, xác định tình huống thẻ đỏ trực tiếp. Và cuối cùng, xác định cầu thủ bị phạt thẻ vàng hoặc thẻ đỏ trong trường hợp có sự nhầm lẫn.
Trước khi World Cup 2022 khởi tranh, các trọng tài và trợ lý trọng tài phải trải qua khoảng 10 ngày huấn luyện về thể chất, kỹ thuật và lý thuyết. Ông Taqi cho biết, nội dung chính trong đào tạo lý thuyết là trọng tài phải phân tích video về các trận đấu và những tình huống từng có VAR can thiệp của của đội tuyển thi đấu ở World Cup.
Ngoài việc nắm hiểu luật sử dụng VAR, các trọng tài VAR cũng cần biết cách thiết lập camera cho các trận đấu. Ông Taqi nói: “Sự can thiệp của VAR ở mức tối thiểu, nhưng phải mang lại lợi ích tối đa cho trận đấu. Điều quan trọng là phải hiểu và biết có bao nhiêu máy quay trước mỗi trận đấu trong sân và hiểu vị trí của máy quay. Với điều này, bạn sẽ tiết kiệm thời gian kiểm tra, cũng có nghĩa là bạn cũng đang tiết kiệm thời gian tạm dừng trận đấu trên sân”.