Thử doping trước SEA Games 2017: Lời cảnh báo cần thiết

Vấn đề lấy mẫu thử của VĐV để kiểm tra có dính chất cấm (doping) hay không đã được đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 2017 thực hiện. Tuy nhiên, ai được lấy mẫu thử vẫn luôn là điều ít được đề cập.
Điền kinh là một trong những môn phải kiểm tra doping kỹ lưỡng. Ảnh: Nhật Anh
Điền kinh là một trong những môn phải kiểm tra doping kỹ lưỡng. Ảnh: Nhật Anh
Ai phải thử doping?

Đội tuyển điền kinh Việt Nam góp mặt tại SEA Games 2017 với số VĐV đông đảo nhất (hơn 50 người). Tuy vậy, theo tìm hiểu, tuyển điền kinh được lấy mẫu thử đối với 3 VĐV trong tổng số 30 mẫu mà đoàn thể thao Việt Nam tiến hành kiểm tra doping trước SEA Games 2017. Chia sẻ về công tác lấy mẫu thử doping, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 2017 - ông Trần Đức Phấn - đã nói với đại ý những VĐV liên tục đi thi đấu các giải quốc tế gần như phải thực hiện những kiểm tra chất cấm ở mỗi giải đấu. Vì thế thể thao Việt Nam tin tưởng những VĐV trên không sử dụng chất cấm.

Với điền kinh, thời gian qua, những người được dự giải quốc tế nhiều có Quách Công Lịch, Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo, Nguyễn Thị Huyền... Tuy nhiên, 3 mẫu thử của tuyển điền kinh được lấy hoàn toàn ở VĐV đang tập huấn tại TPHCM và theo chỉ định cụ thể, không thực hiện lấy mẫu ngẫu nhiên. Tất cả những VĐV đang được tuyển điền kinh Việt Nam nhắm cơ hội tranh chấp huy chương ở SEA Games 2017 đều không được lấy mẫu thử doping. Đại hội thể thao bãi biển châu Á 5 (ABG5) diễn ra tháng 9 năm 2016 tại Việt Nam, tuyển thủ Vũ Thị Ly đã bị dính doping. Thời điểm đó, lãnh đạo điền kinh Việt Nam cho biết chân chạy này bị cấm thi đấu khoảng 3 tháng. Đại diện của Ủy ban Olympic châu Á có mặt tại ABG5 từng biết về trường hợp của Vũ Thị Ly. 

Đợt lấy 30 mẫu thử trước SEA Games 2017, Ly không nằm trong danh sách kiểm tra. Năm nay, Vũ Thị Ly có tên trong thành phần tuyển điền kinh Việt Nam dự SEA Games 2017 và được HLV Hồ Thị Từ Tâm nhắm tranh HCV nội dung trung bình 1.500m và 800m. Tuyển thủ từng có “án” doping thì chắc chắn sẽ bị kiểm tra kỹ càng trước những cuộc đấu lớn nhưng với chúng ta, điều này lại không. Hiện tại, nhóm cự ly trung bình của đội điền kinh Việt Nam đang tập huấn tại Côn Minh (Trung Quốc).

Thử vì ai?

Ông Trần Đức Phấn đã khẳng định, việc kiểm soát của thể thao Việt Nam với doping rất kỹ càng. “Tuy nhiên, rất dễ xảy ra trường hợp VĐV ngẫu nhiên bị dính chất cấm vì thực phẩm. Hiện tại, chúng ta rất e ngại nguyên liệu thực phẩm không đảm bảo đúng tiêu chuẩn kiểm định thì vô tình làm VĐV dính chất cấm”, ông Phấn đã cho biết. Đoàn thể thao có số VĐV càng đông, công tác kiểm soát càng khó. 

Thể thao Việt Nam từng có VĐV bị phát hiện dính doping trong thi đấu SEA Games và con số không chỉ 1 tuyển thủ. Khi chúng ta tổ chức SEA Games 2003 trên sân nhà, trong các mẫu thử chính thức và bị phát hiện, thể thao Việt Nam có 4 VĐV dính doping gồm Hoàng Hồng Anh (đua thuyền canoeing), Nguyễn Mai Quỳnh (điền kinh), Phạm Thị Dịu, Phạm Toàn Thắng (lặn). Thời điểm đó, nhiều đồn thổi VĐV của Việt Nam dính doping còn vượt hơn con số 4 và trong đó có VĐV điền kinh.

Tuy nhiên, tất cả chỉ công nhận những thông báo chính thức của Ban tổ chức. Bất kể nền thể thao nào có VĐV dính doping đều khó tránh điều tiếng và uy tín, hình ảnh bị giảm sút. Dĩ nhiên, thực tế nội bộ thì VĐV, HLV và nhà quản lý luôn nắm được thông tin cụ thể chứ không phải chuyện xảy tới bất ngờ. Cách đây 2 năm, thể thao Việt Nam lấy 25 mẫu thử doping các VĐV chuẩn bị cho SEA Games 2015 tại Singapore và không mẫu nào dương tính. 30 mẫu thử của năm nay được lấy và kết quả sẽ được đoàn thể thao Việt Nam báo cáo tới BTC SEA Games 2017.

Tin cùng chuyên mục