16 ngày đến SEA Games 24 - 2007

Bài 11: Nhớ những cú đập trời giáng

Nói đến bóng chuyền Việt Nam, người hâm mộ mơ đến một lần đoạt huy chương vàng SEA Games. Thế nhưng, ai biết được rằng hồi đại hội còn mang tên SEAP Games, bóng chuyền Việt Nam qui tụ những tay đập trời giáng, những bộ óc chiến lược tinh khôn, từng mang về cho quê hương những tấm huy chương giá trị, trong đó có cả vàng.

Trong cuốn lịch sử SEAP Games, đoạn viết về môn bóng chuyền có liệt kê rõ thành tích vàng, bạc, đồng của các kỳ SEAP Games từ lần đầu tiên cho đến tận SEA Games bây giờ. Nếu khoanh vùng trong khoảng thời gian từ SEAP Games 1 – 1959 đến SEAP Games 7 - 1973, bóng chuyền Việt Nam chỉ xếp sau Campuchia trên bảng vàng thành tích huy chương.

Cũng cần nói thêm về bóng chuyền của người láng giềng Campuchia một chút. Đây là môn thể thao mạnh nhất của họ, với đội hình mạnh, rất đồng đều và thể hình đẹp, trên nền tảng thể lực cực tốt.

Còn nhớ cựu tuyển thủ Võ Bá Mẫn có lần nhận xét: “Nếu thập niên 80-90, chúng ta chỉ có một Trần Minh Khang dũng mãnh, lợi hại, với những cú đập như búa bổ sau vạch 3 mét thì ở thập niên 60, Campuchia có cả một đội hình như thế.

Ngay trong lúc khởi động, những cú đập của họ bật đất bắn lên trần nhà làm bể cả bóng đèn”. Chả thế mà trong trận chung kết SEAP Games 7 – 1973, đội tuyển Việt Nam phơi áo nặng nề trước Campuchia 3 ván trắng, với các tỉ số 3-15, 2-15, 1-15.

Thống kê qua 7 kỳ SEAP Games đầu tiên, bóng chuyền Việt Nam đoạt 1 huy chương vàng, 3 HCB và 1 HCĐ, xếp thứ ba bảng tổng xếp hạng, sau Campuchia với 3 HCV, 1 HCĐ và Myanmar (2 vàng, 2 bạc, 1 đồng và xếp trên Thái Lan (1 vàng, 1 bạc, 2 đồng).

Lần đoạt huy chương vàng duy nhất của đội tuyển Việt Nam rơi vào SEAP Games 4 - 1967 tại Bangkok, với chiến thắng vang dội trước chủ nhà Thái Lan trong trận chung kết. Trong ba lần hạng nhì, Việt Nam thua Campuchia hai lần tại SEAP Games 3 – 1965 tại Malaysia và SEAP Games 7 – 1973 tại Singapore, một lần tại SEAP Games 5 – 1969 trước chủ nhà Myanmar.

Lần hạng ba duy nhất của bóng chuyền Việt Nam trong các kỳ SEAP Games là ngay trong lần đại hội đầu tiên vào năm 1959 ở Bangkok (chủ nhà Thái Lan vô địch và Myanmar hạng nhì). Thế nhưng, hai năm sau, bóng chuyền Việt Nam lại trắng tay tại SEAP Games 2 ở Myanmar (ba hạng đầu là Myanmar, Thái Lan và Campuchia).

Nếu so sánh các môn bóng thì bóng chuyền chỉ xếp sau bóng đá ở mức độ hấp dẫn và thành tích mà các tuyển thủ Việt Nam đoạt được thời điểm ấy. Riêng môn bóng rổ, đội tuyển Việt Nam chỉ một lần bước lên bục danh dự, sau khi thua Thái Lan trong trận chung kết SEAP Games 1 - 1959.

Một trận chung kết mà cựu danh thủ Hứa Kim Thành (Chí Chảy) hồi tưởng lại đó là một trận đấu mà đội tuyển của chúng ta đọ sức với cả sân vận động, với trọng tài và đối thủ. Đội tuyển thúc thủ khi chỉ còn... 3 người thi đấu trên sân.

LINH GIAO

Thông tin liên quan

- Bài 1: Lịch sử qua những con số - từ Seap Games...

- Bài 2: Lịch sử qua những con số - ...  SEA Games

- Bài 3: Môn thể thao vua và câu hỏi đã có lời giải

- Bài 4: Lễ khai mạc và bế mạc hoành tráng

- Bài 5: Bóng đá Việt Nam qua những lần đọ sức với Malaysia

- Bài 6: Điền kinh nhớ thuở... hoang sơ 

- Bài 7: Bơi lội tìm lại chút hào quang xưa

- Bài 8: Bá chủ làng quần vợt nam SEAP Games

- Bài 9: Câu chuyện bóng bàn 

- Bài 10:  “Ngựa sắt” tung vó mù SEAP Games

Tin cùng chuyên mục