21 ngày đến SEA Games 24 - 2007

Bài 7: Bơi lội tìm lại chút hào quang xưa

Thành tích cao nhất của bơi lội Việt Nam kể từ ngày hội nhập trở lại là chiếc huy chương vàng 100m ếch của Nguyễn Hữu Việt tại SEA Games 23 - Philippines 2005. Nó bất ngờ đến nỗi hôm diễn ra đợt bơi chung kết không có bóng dáng một phóng viên Việt Nam nào và khi hay tin “có vàng” thì cánh nhà báo nháo nhào bắt taxi phóng đến khách sạn, nơi Hữu Việt đang ở để xin phỏng vấn và chụp ảnh... nguội.

Trái với thành tích theo kiểu bất ngờ như ngày nay, dạo trước, bơi lội Việt Nam ra quân thi đấu tại các kỳ SEA Games đều chuẩn bị tâm lý tranh chấp thắng thua. Đành rằng, đội bơi lúc đó cũng không đông, không đồng đều, nhưng nhiều vị trí trong đó thống lĩnh các nội dung thi đấu, như môn ếch hoặc bướm.

Các tay bơi Việt Nam cũng giống như bên điền kinh khi ấy không được đầu tư kỹ lưỡng như ngày nay, không có chuyên gia kè kè bên mình và cũng không có những chuyến tập huấn dài hạn tận Australia, Hungari, hay Trung Quốc... Kình ngư trẻ thập niên 70 Đỗ Như Minh kể lại: “Chúng tôi tự tập là chính. Hàng ngày vào hồ Cerlce (nay là Cung Văn hóa Lao động TPHCM), được dành cho một đường bơi, rồi cứ thế anh em tập, bên ngoài dây phao là khách bơi tự do. Tập luyện thì lớp đàn anh chỉ dẫn lại lớp đàn em, chỉ khi gần sát ngày thi đấu có một huấn luyện viên người Nhật sang Việt Nam công tác ngành kỹ thuật, cơ khí cùng bơi trong hồ đã đề nghị hướng dẫn thêm và nhờ đó tăng chút ít thành tích”. Kết quả đạt được thật thú vị, Đỗ Như Minh về hạng nhì cự ly 100m bướm nam ở SEA Games 1973, với 1 phút 2 giây 15, phá kỷ lục SEA Games (1 phút 2 giây 43), chỉ xếp sau Roy Chan (Singapore) với 1 phút 00 giây 93. Tuy nhiên, bậc thầy ở cự ly này chính là ông Phan Hữu Dõng, từng vô địch 100m bướm, với 1 phút 9 giây 6, tại SEA Games 1961, phá kỷ lục của Lim Heng Chek (Malaysia) với 1 phút 13 giây 5.

Nói đến bơi lội Việt Nam thuở sơ khai phải kể đến hai chú “ếch ộp” là Huỳnh Văn Hai và Trương Kế Nhơn, mà câu chuyện “xa luân chiến” của họ tại SEA Games 1961 để đánh bại Kenneth Kee (Singapore) đáng đưa vào giai thoại bơi lội Việt Nam. Trước đó, tại SEA Games 1 - năm 1959, Trương Kế Nhơn đã đoạt huy chương vàng 100m ếch, với thành tích 1 phút 20 giây 6, qua mặt Siah Pong Pin (Singapore) 4/10 giây (1 phút 21 giây). Năm này không có cự ly bơi 200m ếch, nhưng qua kỳ SEA Games sau ở Myanmar 1961 thì ngược lại, chỉ có cự ly 200m ếch, nhưng bỏ cự ly 100m ếch. Điều đó biến cự ly 200m là “chiến trường chính” của “bầy ếch” Đông Nam Á. Singapore rất máu phục hận và họ rất tin tưởng vào Kenneth Kee vốn được tập huấn dài hạn ở nước ngoài. Việt Nam tung hai con ếch Huỳnh Văn Hai và đương kim vô địch 100m Trương Kế Nhơn ra trận. Tin “tình báo” cho biết, Kenneth Kee rất mạnh và thành tích 100m lẫn 200m trội hơn hẳn Hai và Nhơn, nếu đọ sức trực tiếp, ta thua chắc. Sau một đêm nghiên cứu “chiến thuật”, vừa nhập cuộc, Nhơn tung hết sức cho 100m đầu. Kenneth Kee không muốn bị bỏ xa, nên đuổi theo hết sức. Hai phân sức kỹ, bám sát phía sau. Qua đoạn 150m, Nhơn đuối dần, Kenneth qua mặt, nhưng cũng bắt đầu hết hơi. Đến lúc này thì Huỳnh Văn Hai mới tung nước rút ở 50m cuối, vượt qua ở đoạn 10m và thắng khít khao một cái chụp tay vào đích. Huỳnh Văn Hai vô địch với 2 phút 50 giây 90, Kenneth hạng nhì với cùng 2 phút 50 giây 90 và Trương Kế Nhơn “lết” về sau đó với 2 phút 51 giây. Nhà vô địch chấp nhận về ba để giữ đúng chiến thuật, đảm bảo Việt Nam có thêm 1 vàng.

Trong bảng thành tích bơi lội nữ Việt Nam còn phải kể đến tấm HCV tiếp sức 4 x 100m hỗn hợp năm 1959 (4 phút 55 giây 4), HCĐ năm 1961 (4 phút 48 giây 4), Tất Thắng HCB 100m ngửa (1 phút 15 giây 1) năm 1959, Nguyễn Thị Tuyết Vân, đoạt HCĐ 100m tự do, với 1 phút 10 giây 4 năm 1965.

Linh Giao

Thông tin liên quan

- Bài 1: Lịch sử qua những con số - từ Seap Games...

- Bài 2: Lịch sử qua những con số - ...  SEA Games

- Bài 3: Môn thể thao vua và câu hỏi đã có lời giải

- Bài 4: Lễ khai mạc và bế mạc hoành tráng

- Bài 5: Bóng đá Việt Nam qua những lần đọ sức với Malaysia

- Điền kinh nhớ thuở... hoang sơ 

Tin cùng chuyên mục