Xây nhà từ nóc

Hẳn là VFF rất tự hào với bảng kế hoạch định hướng hoạt động của năm 2014 với những mục tiêu lớn và tràn trề khả năng thực hiện. Họ, cũng khá hãnh diện mà cho rằng, với việc đầu tư cho đội U19, đã là tập trung cho bóng đá trẻ, nền móng của sự phát triển.Nhưng xin đừng tin! VFF vẫn đang xây nhà từ nóc đấy…

Hẳn là VFF rất tự hào với bảng kế hoạch định hướng hoạt động của năm 2014 với những mục tiêu lớn và tràn trề khả năng thực hiện. Họ, cũng khá hãnh diện mà cho rằng, với việc đầu tư cho đội U19, đã là tập trung cho bóng đá trẻ, nền móng của sự phát triển.
Nhưng xin đừng tin! VFF vẫn đang xây nhà từ nóc đấy…

Với một đất nước mà bóng đá còn hơn cả môn thể thao số 1, thì những mục tiêu liên quan đến bóng đá nữ, Futsal hay đội U19, dù ở tầm châu Á, nói lên được cái gì?

Xin trả lời ngay: Không là cái gì cả.

Nói cho đúng hơn: Những thành tích ấy chẳng phản ảnh sức mạnh của một nền bóng đá. Thậm chí, đó còn là kiểu “lấy thành tích, bù khả năng” vốn được áp dụng cho những nền bóng đá nhược tiểu. Người ta chẳng làm nên trò trống gì ở bóng đá nam nên hay có kiểu “đi tắt, đón đầu”, dồn đầu tư cho những lĩnh vực “không ai chơi” để tìm một cái mỏ neo để bám víu hy vọng.

Cũng có những mục tiêu tương tự như Việt Nam nhưng bóng đá Thái Lan khác hẳn. Những bóng đá nữ, Futsal đến sau những thành công của bóng đá nam. 2 thập kỷ trước, CLB Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan đã 2 lần vô địch C1 châu Á và đội tuyển quốc gia của họ, ai cũng biết, thống trị làng cầu Đông Nam Á đến… phát chán,  nhiều lần đường hoàng lọt vào VCK Asian Cup hoặc chơi khá thành công tại môn bóng đá Asiad. Một nền bóng đá phát triển như vậy thì đội tuyển nữ có mạnh hoặc Futsal có vươn lên tầm châu Á, cũng là chuyện bình thường.

Ở Việt Nam, đấy là chuyện lâu lắm mới xảy ra một lần, như năm 2014 này vậy. Thế nên, mừng chi vội.

Nghe VFF thông báo, họ sẽ “quyết liệt đầu tư” mà thấy chạnh lòng.

Đội tuyển nữ Việt Nam (Kim Hồng, 23) muốn lọt vào VCK World Cup sẽ gặp phải khó khăn trước Thái Lan. Ảnh: Dũng Phương

Đội tuyển nữ Việt Nam (Kim Hồng, 23) muốn lọt vào VCK World Cup sẽ gặp phải khó khăn trước Thái Lan. Ảnh: Dũng Phương

Vì đấy là kiểu “quyết liệt” lấy thành tích. Anh đầu tư cho bóng đá nữ để lọt vào World Cup nhưng thực tế thì giải vô địch quốc gia èo uột, sống đời thực vật. Anh hào hứng với Futsal nhưng kỳ thực, tại Việt Nam người ta đá banh phủi trên sân cỏ nhân tạo chứ môn Futsal lại chẳng có mấy CLB theo đuổi. Anh dồn trọng tâm vào đội U19 nhưng quên mất đội bóng đó là của bầu Đức, của Học viện HAGL - Arsenal, là một sản phẩm kinh doanh mà muốn sử dụng, anh phải mua lại chứ không phải cứ khơi khôi ngồi đó định hướng như… “của nhà trồng được”.

Những đầu tư kiểu đó, dẫu có thành công, cũng… vứt. Cơ bản vì nó không đem lại cái gì cả, ngoài một chút hy vọng, một tí niềm vui, và có khi, còn là ảo tưởng.

Thế nên, một khi VFF còn chọn những mục tiêu đó làm cơ sở để “đầu tư quyết liệt” thì chúng tôi cho rằng, câu nói của HLV Alfred Riedl “bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc” vẫn còn nguyên giá trị.

Trong bảng kế hoạch hoành tráng được “đầu tư quyết liệt” ấy, chẳng thấy nhắc gì đến V-League. Cứ cho là để chấn hưng V-League thì cần thời gian nhưng thử hỏi, những thành tích ở bóng đá nữ, Futsal hay U19 thì giúp được gì cho V-League?

Để người hâm mộ lấy lại lòng tin ư? Nếu họ bỏ V-League để đi xem bóng đá nữ, U19 hay Futsal thì sao?

Đề có nhiều người đầu tư cho bóng đá nội địa ư? Họ có thể thích nhưng một khi họ đầu tư thì phải tính chuyện lời, lỗ trong kinh doanh. Mà bóng đá tầm V-League toàn tiêu tiền, làm sao có ai dám mạo hiểm.

Cái “gốc” của nền bóng đá chính là những giải đấu nội địa. Cái “gốc” của các giải đấu chính là các CLB. Không nói gì đến V-League hay sự khó khăn của các CLB hiện nay, coi như vẫn “xây nhà từ nóc”.

Hồ Việt

Đầu tư từ đâu?

VFF có đề cập đến đội tuyển quốc gia dự AFF Cup 2014, nhưng không nghe thấy mục tiêu cụ thể nào dù đây là giải đấu mang tính khu vực. VFF cũng chẳng đề cập cụ thể gì đến V-League 2014 cho dù giải đấu số 1 Việt Nam này đang như một “con bệnh” cần liều thuốc “đặc trị”. Theo chúng tôi, trong ngắn hạn và cả lâu dài, chính V-League và đội tuyển quốc gia nam mới thực sự cần “đầu tư quyết liệt”.

Xin nhớ là đội tuyển quốc gia Việt Nam chuẩn bị đá giải vô địch Đông Nam Á (không phải châu Á). Mục tiêu chỉ có 1: vô địch. Đành rằng chất lượng thi đấu cũng như niềm tin của người hâm mộ đang xuống thấp nhưng như vậy không có nghĩa là đội tuyển của chúng ta đang ở hạng B, C nào đó.

Thế nhưng VFF không tính đến chuyện thuê HLV xịn, lên kế hoạch thi đấu quốc tế. Với con người hiện tại, nếu làm đúng cách, chuyện chơi thành công tại AFF Cup 2014 đâu quá khó. Không lẽ đó không phải là mục tiêu, là trọng tâm công việc của VFF?

Với V-League, trước mắt, cần có những giải pháp cấp bách để tái tạo phần nào hình ảnh bóng đá nội địa trong con mắt của người hâm mộ. Hơn nữa, sau khi U19 Việt Nam đem lại nguồn cảm hứng cho khán giả, lẽ ra cần phải phát huy khí thế đó để kéo người yêu bóng đá nội đến sân xem V-League.

Kế đến, sự thành công của Học viện HAGL cho thấy bóng đá Việt Nam cần phát huy vai trò của các CLB trong đào tạo trẻ, khuyến khích thêm các ông bầu khác mạnh dạn đầu tư như bầu Đức.

Thay vì lãng tránh thực tế rất kém cỏi của V-League hiện nay, lẽ ra VFF cần quyết liệt hơn trong việc siết chặt những tiêu chí của bóng đá chuyên nghiệp. Họ cần mạnh tay hơn khi yêu cầu các CLB phải có đủ các tuyến trẻ do mình đào tạo, tham gia thi đấu đủ những giải U do VFF tổ chức.

Chính VFF mới có đủ khả năng yêu cầu và giám sát nguồn tài chính đầu tư cho bóng đá trẻ tại mỗi CLB, nơi nào không đáp ứng thì “xin mời đi ra”… Một khi V-League có nhiều CLB như HAGL đầu tư cho hệ thống đào tạo thì lúc đó, bóng đá Việt Nam mới có nhiều đội U19 hơn chứ không thể cứ dùng mỗi thành phần nòng cốt từ  Học viện HAGL theo kiểu “nuôi gà chọi” mà VFF đang tính.

Việt Long

Tin cùng chuyên mục