Vui ít, buồn nhiều

Vui ít, buồn nhiều

Hôm qua, bóng đá Việt Nam có tin vui khi đón nhận 2 cái tên quen thuộc là Huế và Khánh Hòa quay trở lại sân chơi đỉnh cao ở giải hạng Nhất. Vài ngày nữa, có thể thêm TPHCM hoặc Nam Định. Có vẻ như những địa phương từng lẫy lừng một thời sắp sửa quay lại…

Thật ra chưa hẳn đã vui được như vậy. Một trong những lý do để có nhiều sự trở lại ấy là vì có đến 5 suất thăng hạng. Thành ra, dù mang tên là giải vô địch hạng Nhì nhưng trên thực tế, ngoài một số địa phương có truyền thống, phần còn lại chỉ nhỉnh hơn phong trào một chút. Đấy là lý do mà 6 đội lọt vào VCK thì chỉ có mình Đắk Lắk là không có mấy tên tuổi. Những ai làm bóng đá đều biết, ở đẳng cấp hạng Nhì, chỉ cần có kinh phí cao, mua một vài cầu thủ tốt về đá là kiểu gì cũng lên hạng, nhất là ở mùa giải mà có 17 đội thì đến 5 đội được thăng hạng.

Sau 1 năm vắng bóng, Khánh Hòa sẽ có đại diện ở sân chơi hạng Nhất 2014. Ảnh: Phi Hải

Sau 1 năm vắng bóng, Khánh Hòa sẽ có đại diện ở sân chơi hạng Nhất 2014. Ảnh: Phi Hải

Lý do không vui kế tiếp đó là sự thăng hạng của những cái tên mà không biết họ có thật sự quyết tâm tiến lên chuyên nghiệp hay không. Lấy ví dụ đội Sanna Khánh Hòa. Đây là một đội bóng có khởi nguồn phong trào, thi đấu bãi biển, rồi futsal và sau đó tiến ra sân bóng 11 người. Có thể công ty Yến sào Khánh Hòa có quyết tâm làm bóng đá nhưng cũng xin nhớ, mới mấy tháng trước, chính bóng đá Khánh Hòa đã tự mình trở thành “vùng trắng” khi chuyển giao K.Khánh Hòa. Tiềm lực như Tập đoàn Khánh Việt còn mệt mỏi, thật khó để tin rằng Sanest sẽ quyết tâm theo đuổi bóng đá chuyên nghiệp bởi cái gốc của Sanest cũng tương tự như Khatoco. Vì vậy, chúng tôi tin Sanna Khánh Hòa lên rồi cũng vui chơi ở giải hạng Nhất mà thôi.

* * *

Niềm vui về việc các địa phương như Huế hay có thể là Nam Định, TPHCM trở lại sân chơi hạng Nhất không lớn bằng nỗi lo ngại khi sự thật là các đội bóng nói trên cũng chỉ có tiềm lực đủ để đá hạng Nhì. Như đã nói, ở trình độ hạng Nhì, thì những nơi có nền tảng đào tạo tốt vẫn đủ lực để chơi. Vấn đề là khi lên hạng Nhất thì cũng phải tìm doanh nghiệp đứng chống lưng. Nhưng đây là chuyện quá khó.

Trường hợp của Huế chẳng hạn. Bóng đá xứ này có thiếu gì đâu… ngoài tiền. Mấy năm trời chấp nhận đá hạng Nhì, cũng vì chẳng có tiền. Nay thăng hạng, biết tìm tiền ở đâu? Cứ thấy các cái tên “trống trơn”, chỉ mang tên địa phương thôi cũng đã phát rầu bởi như vậy, bản chất vấn đề vẫn như cũ.

Xin nhớ là ở giải hạng Nhất vừa kết thúc, 2 đội đứng chót bảng đều thuộc doanh nghiệp hoàn toàn. Tức là có tiền mà vẫn cứ phải chấp nhận xuống đá hạng nhì cho… đỡ tốn kém huống hồ gì các đội chẳng có tiền mà lên hạng Nhất thì khác nào sau giải hạng Nhì, đến lượt giải hạng Nhất Việt Nam đang có nguy cơ bị “phong trào hóa”.

Tất nhiên, chúng ta hi vọng và bản thân các đội bóng địa phương ấy cũng hi vọng tình hình kinh tế sắp đến sẽ khả quan hơn và doanh nghiệp sẽ dư dả tiền bạc để tài trợ. Nhưng đấy chỉ là hi vọng chứ cứ điểm lại các cái tên có thể đá hạng Nhất mùa tới, đa phần đều có nguồn gốc từ bóng đá phong trào.

Đăng Linh

Tin cùng chuyên mục