Vận động có làm chậm sa sút trí tuệ?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện thế giới có 35,6 triệu người bị sa sút trí tuệ và ước tính đến năm 2030, con số dự báo sẽ tăng lên 65,7 triệu người, năm 2050 là 115,5 triệu người. Tại Việt Nam, chưa có thống kê chính xác về số lượng sa sút trí tuệ, nhưng theo dự đoán của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, số lượng người dân có nguy cơ sa sút trí tuệ đang gia tăng hàng năm tỷ lệ thuận với số lượng người già nếu chúng ta không có những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.

Nghiên cứu mới đây trong thực hành y khoa của Trường Đại học Y Dược TPHCM, khoảng 50% người bị suy giảm trí nhớ sẽ chuyển sang thành bệnh sa sút trí tuệ 3 năm sau đó. Trong đó, với ước tính 20%-30% người trẻ tuổi đang gặp các vấn đề về suy giảm trí nhớ và đang gia tăng nhanh là những hồi chuông báo động.

Ước tính 20%-30% người trẻ tuổi đang gặp các vấn đề về suy giảm trí nhớ và đang gia tăng nhanh là những hồi chuông báo động.

Y văn ghi nhận sa sút trí tuệ là bệnh lý mang tính thần kinh và khá thường gặp ở lứa tuổi trung niên cũng như tuổi xế chiều. Những biểu hiện của bệnh lý suy giảm trí nhớ không rõ ràng, nhưng chủ yếu vẫn là các biểu hiện không tập trung, xao nhãng, đãng trí và thông thường là quên tạm thời. Trong đó đãng trí là biểu hiện điển hình của việc sa sút trí tuệ. Mối lo lắng thường gặp của người giảm trí nhớ là sẽ tiến triển tăng dần đến mất trí nhớ hoàn toàn.

Về nguyên tắc giảm trí nhớ bình thường do tuổi tác là do số lượng tế bào não và lượng chất dẫn truyền thần kinh bắt đầu giảm dần một ít khi ta được 20 tuổi. Khi tuổi càng lớn, sự thay đổi càng nhiều hơn. Theo Hội Thần kinh học TPHCM, vào khoảng 40 tuổi, tỷ lệ sa sút trí tuệ chỉ chiếm 0,1% dân số; đến trên 65 tuổi, tỷ lệ này là 5% - 8%; sau 75 tuổi tăng lên 15% - 20%; và trên 85 tuổi, tỷ lệ sa sút trí tuệ chiếm đến 25% - 50% dân số.

Nhìn chung, sau 65 tuổi, tỷ lệ sa sút trí tuệ tăng gấp đôi mỗi 5 năm. Các triệu chứng của sa sút trí tuệ mà Hội Thần kinh học TPHCM khuyến cáo là: mất trí nhớ gần (người bệnh thường quên và không nhớ lại được, hỏi lặp đi lặp lại một câu hỏi nhưng quên câu vừa mới trả lời); khó khăn trong việc thực hiện các công việc quen thuộc; có các vấn đề về ngôn ngữ; rối loạn định hướng (người bệnh có thể bị lạc ở một nơi đã từng rất quen thuộc với họ); giảm khả năng đánh giá; quên vị trí đồ vật; thay đổi cá tính; mất tính chủ động…

Bên cạnh đó, với sự lão hóa của thần kinh, các chuyên gia thần kinh đánh giá tuổi già sẽ xuất hiện các mảng xơ vữa lớn dần, làm hẹp các động mạch làm giảm lưu lượng máu lưu thông đến các tổ chức, gây nên tình trạng thiếu máu cục bộ, gây tai biến mạch máu não (đột quỵ). Các chuyên gia mạch máu BV Đại học Y Dược TPHCM cho biết, cứ 10 người bị tai biến mạch máu não thì có 3 người tử vong và một trong những nguyên nhân chính là xơ vữa thành mạch. Nguyên nhân được ghi nhận là ngay ở tuổi trung niên, con người đã có thể bị suy giảm trí nhớ do sự lão hóa nhanh của các tế bào thần kinh trước sự gây hại của gốc tự do. Môi trường sống, stress hoặc thiếu một số chất quan trọng khiến các gốc tự do trong cơ thể con người không ngừng sản sinh và gây hại lên não.

Cho đến nay chưa có phương pháp điều trị nào có thể làm đảo ngược hoàn toàn quá trình thoái hóa thần kinh để ngăn chặn tình trạng sa sút trí tuệ tức thời, cũng như chưa có biện pháp điều trị triệt để sa sút trí tuệ, nhưng các chuyên gia y khoa cho rằng thường xuyên hoạt động trí não, sống trật tự, có phương pháp, luôn đọc sách, giao tiếp xã hội, luyện trí nhớ, tập thể dục có thể duy trì khả năng tư duy. Trong đó, vận động được xem là yếu tố quan trọng để hạn chế những biến chứng có thể dẫn đến Parkinson. Các chuyên gia thần kinh cũng khuyến cáo việc vận động nhẹ, phù hợp từ trung niên trở lên có vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi sa sút trí tuệ.

TS. Trần Công Thắng (BV ĐH Y Dược TPHCM)

Tin cùng chuyên mục