Tự làm khó mình

Về nguyên tắc, một cầu thủ khi đã được gọi vào đội tuyển quốc gia thì đẳng cấp của anh ta đã được xác định, tức là luôn cao hơn đội U.23 một tầm. Mà một khi đã đá cho đội tuyển thì khi trở về đá cho U.23 tức là phải hiểu đội U.23 “được tăng cường lực lượng” chứ không có chuyện “được đôn lên” từ U.23.

1. Về nguyên tắc, một cầu thủ khi đã được gọi vào đội tuyển quốc gia thì đẳng cấp của anh ta đã được xác định, tức là luôn cao hơn đội U.23 một tầm. Mà một khi đã đá cho đội tuyển thì khi trở về đá cho U.23 tức là phải hiểu đội U.23 “được tăng cường lực lượng” chứ không có chuyện “được đôn lên” từ U.23.

Nếu chiếu theo nguyên tắc đó, lẽ ra ĐTQG phải đủ người trong tập luyện chứ không phải ở trong tình trạng mỗi ngày ông Miura lại gọi vài cầu thủ từ U.23 sang sân của ĐTQG để tập theo kiểu xoay tua. Chúng ta hiểu thế nào về các trường hợp của Công Phượng, Tuấn Tài…? Họ là tuyển thủ quốc gia hay chỉ mới là tuyển U.23? Họ sẽ thích ứng với cách chơi của đội lớn hay vẫn phải giữ lối chơi của đội trẻ?

Các tuyển thủ đang làm nóng trước buổi tập. Ảnh: Minh Hoàng

Như đã nói ở trên, một khi đã đủ trình độ để đá cho ĐTQG thì đương nhiên, cầu thủ đó sẽ dễ dàng bắt nhịp với đội U.23, vốn là phiên bản trẻ của đội lớn. Hơn nữa, đội U.23 thực tế là đã trải qua đợt tập huấn tại vòng loại U.22 vừa qua nếu có thiếu người cũng không sao. Ngược lại, ĐTQG có rất nhiều gương mặt mới, thời gian tập trung lại ngắn, đá chỉ 1 trận nên cần phải tập trung cao độ hơn.

2. Thế nhưng, cứ nhìn cái cách xoay tua các cầu thủ U.23 không ít người chẳng hiểu thật sự thì HLV Miura muốn gì. Theo chúng tôi, trên thế giới có lẽ chỉ mỗi mình Việt Nam có kiểu tập nhập nhằng 2 trong 1 này. Lẽ ra, cứ gọi hẳn các cầu thủ U.23 vốn thuộc “biên chế” của ĐTQG tập trung ngay từ đầu, sau khi ráp nối chiến thuật xong thì hãy trả lại cho đội U.23 đá SEA Games cũng được. Đằng này, không biết ông Miura có rối trí không, chứ bản thân cầu thủ cứ phải đi lên - đi xuống kiểu này chẳng biết mình sẽ đá ra sao cả.

Tự chúng ta đang làm khó mình. Chuyện 1 HLV nắm 2 đội tuyển cứ coi như là trường hợp bất khả kháng thì việc lập 2 đội tuyển độc lập là chuyện nên làm. Khi trộn lẫn 2 đội tuyển với nhau, vô tình chúng ta xóa đi cái khoảng cách về trình độ, đẳng cấp giữa 2 đội bóng và giữa các cầu thủ. Tại sao một số cầu thủ U.23 chưa chắc giữ được chỗ trong đội trẻ lại có thể được lên tuyển tập cùng các đàn anh? Thái độ phấn đấu của họ ra sao khi vô tình họ được “gắn mác” tuyển thủ quốc gia? Về mặt chuyên môn, đưa một vài cầu thủ trẻ vào tuyển quốc gia có thể là để tích lũy kinh nghiệm, nhưng đấy là kiểu tập trung dài ngày chứ không phải hôm thì là U.23, hôm thì là tuyển thủ. Chẳng biết sự tích lũy nằm ở chỗ nào?

3. Chúng tôi không bàn đến những mục đích của ông Miura bởi một khi được toàn quyền, ông ta muốn làm gì thì cũng đành chịu. Tuy nhiên, xét về mặt chuyên môn cũng như khoa học huấn luyện, cách xáo tung đội hình kiểu đó rất cần được phân tích. Đây chẳng phải là lần đầu tiên ông Miura làm như vậy, hồi tại AFF Cup 2014, mỗi trận ông ta cho ra một đội hình khác nhau. Khi ấy, vẫn tạm giải thích được do thời gian làm quen với bóng đá Việt Nam của Miura không nhiều. Thế nhưng, lần này thì khác khi Miura có đủ thời gian để quan sát mọi cầu thủ để biết ai nên đá U.23 và ai đã đủ trình độ trở thành một tuyển thủ.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục