Trường đua Phú Thọ - Đôi dòng lịch sử

Trường đua Phú Thọ là một cơ sở giải trí thể thao được xây dựng trên đất Sài Gòn cách nay gần 70 năm. Lần theo các trang mạng và tư liệu lịch sử thì hoạt động đua ngựa ở Sài Gòn đã xuất hiện từ năm 1893.
Trường đua Phú Thọ - Đôi dòng lịch sử

Trường đua Phú Thọ là một cơ sở giải trí thể thao được xây dựng trên đất Sài Gòn cách nay gần 70 năm. Lần theo các trang mạng và tư liệu lịch sử thì hoạt động đua ngựa ở Sài Gòn đã xuất hiện từ năm 1893.

Thời đó, một nhóm sĩ quan và dân sự người Pháp kết hợp thành lập “Hội đua ngựa Sài Gòn” và trụ sở đặt trong cơ binh đường Deverdun (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám). Vòng đua ngựa được xây dựng bên trong bãi đất rộng lớn trên đường Général Lize (tục gọi Vườn Bà Lớn) và hàng rào là những bụi tre có sẵn. Ngựa đua còn ít nên chỉ có 3-4 đợt đua vào ngày chủ nhật và mỗi đợt có khoảng 5 - 7 con ngựa tham gia.

Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Năm 1932, Hội đua ngựa Sài Gòn vay tiền của Ngân hàng Đông Dương mua một khu đất rộng 48 mẫu tại khu vực Phú Thọ (nay thuộc quận 11) để xây dựng trường đua. Đây là khu đất dùng làm nghĩa địa, sau khi mua xong, hội cho bốc dỡ hài cốt đem cải táng nơi khác.

Sau khi người Pháp ra đi, Hội đua ngựa Sài Gòn bàn giao cho người Việt và hoạt động như một công ty tư nhân cho đến ngày Sài Gòn được giải phóng. Từ đó, trường đua do Sở TDTT quản lý và một phần diện tích nơi đây được dùng làm cơ sở đào tạo cán bộ, HLV thể thao cùng các hoạt động khác.

Ngày 11-3-1989 trường đua Phú Thọ được hồi phục, mang tên CLB thể thao Phú Thọ. Lúc đó, nơi đây có hơn 600 ngựa đua và 70 tay nài. Do mới được hồi phục nên các phương tiện kỹ thuật và tiện nghi phục vụ còn thiếu, hệ thống cá cược vẫn còn đơn giản…

Đến tháng 6-2004, Câu lạc bộ thể thao Phú Thọ hợp tác với Công ty TNHH Thiên Mã nâng cấp cơ sở hạ tầng của trường đua và quản lý hoạt động đua ngựa với trang thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, trường đua Phú Thọ cũng là nơi đầu tiên tại Việt Nam sử dụng giống ngựa đua thuần chủng được nhập từ Australia gồm 40 con. Các đợt đua diễn ra vào ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần.

Sau 7 năm liên doanh, hoạt động đua ngựa đã tạm dừng từ đầu tháng 6-2011. Theo chủ trương của Ủy ban Nhân dân TPHCM, khu vực này sẽ được dùng để xây dựng Trung tâm Huấn luyện thể thao và thi đấu của thành phố. Đây cũng là bước chuẩn bị để TPHCM đăng cai SEA Games 29 và Đại hội thể thao châu Á trẻ vào năm 2017. Trước tình hình này, phía đơn vị liên doanh - Công ty TNHH Thiên Mã cũng đang tích cực liên hệ với Ban quản lý khu vực Tây Bắc TPHCM để chọn lựa địa điểm xây dựng khu trường đua mới theo quy hoạch của thành phố.
 
Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi xây dựng khu trường đua mới, đời sống của những chủ nuôi ngựa đua cùng người lao động gián tiếp và trực tiếp tại đây cũng bị ảnh hưởng. Theo ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM, sau khi phía liên doanh chọn lựa xong địa điểm, xác định mức độ đầu tư, thời gian xây dựng…, Sở VH-TT-DL và các ban ngành liên quan sẽ họp và sớm đề xuất cùng Ủy ban Nhân dân TP các phương án để chủ nuôi ngựa đua và người lao động có thể tiếp tục công việc, trong đó có phương án cho phép CLB Phú Thọ được ký hợp đồng có thời hạn để khai thác đường đua ngựa và văn phòng làm việc trong giai đoạn giao thời.

NGỌC THIỆN

Tin cùng chuyên mục