Trước trận B.Bình Dương - SLNA: “Kinh điển” là đây!

Hồ Việt

Có rất nhiều yếu tố, cả trong quá khứ lẫn lâu dài, cặp đấu giữa B.Bình Dương và SLNA xứng đáng được liệt vào danh sách những trận cầu mà chúng ta luôn chờ đợi ở mỗi mùa bóng. Chúng tôi không dùng từ “derby”, thay vào đó, hy vọng đây sẽ là cặp đấu “kinh điển” của V-League.Trước trận B.Bình Dương - SLNA: “Kinh điển” là đây! ảnh 1

B.Bình Dương – SLNA luôn là cặp đấu luôn đầy những tình huống kịch tính và hấp dẫn. Ảnh: Minh hoàng

Trước hết, “kinh điển” nằm ở “tính bóng đá” của cặp đấu. Đây là 2 đội bóng còn tồn tại có thành tích tốt nhất lịch sử bóng đá Việt Nam (sau Thể Công và Cảng Sài Gòn đã giải thể). Họ cũng là 2 đội bóng mà dù hoàn cảnh thế nào, cứ vào mỗi mùa bóng, luôn chỉ muốn trở thành đội bóng số 1, hoàn toàn không có mục tiêu hay toan tính nào khác. Họ, cách làm thì có thể khác nhau, nhưng 2 sân bóng Gò Đậu và Vinh luôn có lượng khán giả nhà đông nhất, ổn định nhất V-League. Họ, đại diện cho 2 quan điểm khác biệt về phát triển CLB nhưng chỉ cần tổng kết những gì mà 2 đội bóng này đã làm, chúng ta có đủ một cuốn sách kinh nghiệm mang tính đặc thù của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam mà không cần phải học hỏi bất kỳ ai. Chúng tôi tin rằng, không đội bóng nào tại Việt Nam có thể cho rằng mình làm tốt hơn những gì mà SLNA và B.Bình Dương đã làm.

***

Đã nói về “kinh điển” thì nhất định phải nói về chuyên môn chứ không thể kà kê chuyện bên lề. Riêng khoản này, cặp đấu B.Bình Dương - SLNA lại càng không có đối thủ. Cả đội tuyển quốc gia sẽ có mặt trên sân vận động Gò Đậu chiều nay, đủ nói lên tất cả. Có người cho trận, đây là trận “derby của người xứ Nghệ”, theo chúng tôi nói như vậy là không tôn trọng Bình Dương. Những người xứ Nghệ như Công Vinh, Trọng Hoàng, Văn Hoàn…thực sự trở thành nhân vật hàng đầu của bóng đá Việt đó là khi họ khoác áo B.Bình Dương. Bất kỳ một cầu thủ giỏi nào cũng cần phải có nơi để tài năng được ghi nhận trên sân lẫn ngoài sân. SLNA đào tạo cầu thủ tốt bao nhiêu nhưng nếu những cầu thủ đó chưa từng khoác áo một nhà vô địch như B.Bình Dương thì làm sao đi vào lịch sử được. Ngoài ra, nếu chịu khó thống kê, chúng ta sẽ thấy đây là CLB sở hữu nhiều tuyển thủ quốc gia nhất kể từ khi V-League ra đời.

Nói như vậy để thấy cái hấp dẫn của cặp đấu này là sự đối chọi giữa một đội chuyên về đào tạo và một đội dùng tiền mua những gì tốt nhất từ cái lò đào tạo tốt nhất. Sự mâu thuẫn đó sẽ còn tồn tại rất lâu và chính thời gian sẽ còn làm cho cặp đấu này trở nên khác biệt so với phần còn lại.

***

Tuy nhiên, chi tiết mà chúng tôi cho rằng, B. Bình Dương - SLNA là “kinh điển” chính là sự theo đuổi triết lý bóng đá đầy cá tính của mình. Từ trước đến nay, nói về SLNA thì nhiều người vẫn có ác cảm về lối chơi rắn của họ. Nhưng SLNA không hề thay đổi, tính chất khắc nghiệt trong phương pháp đào tạo ấy vẫn lưu danh vô số cầu thủ giỏi trong lịch sử bóng đá Việt. Với B.Bình Dương cũng vậy, ai khó tính xem họ là “Chelsea của Việt Nam” cũng mặc, chính sách mua cầu thủ giỏi vẫn được áp dụng đều đặn từ năm 2005 đến nay để họ trở thành đội bóng chơi tấn công hay nhất Việt Nam. Tất nhiên, có không ít đội cũng đã và đang làm giống SLNA, B.Bình Dương nhưng cái quan trọng là duy trì lâu dài, giữ được cá tính riêng cho CLB, thì không phải ai cũng làm được.

Bóng đá cần có khán giả, mà muốn có khán giả thì dù như thế nào cũng phải giữ được bản chất của mình từ lối chơi cho đến cách vận hành. Trong làng cầu Việt Nam, dù lúc này lúc khác nhưng chưa ai làm tốt những yếu tố này như SLNA và B.Bình Dương. Họ xứng đáng được xem là “kinh điển” vì thế.


Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục