Trò đùa số phận

Ngày thể thao Việt Nam (27-3) sắp tới gần nhưng thật buồn khi trường hợp không may mắn đã tới với VĐV trẻ Phạm Gia Phái của thể thao Hải Dương...

Ngày thể thao Việt Nam (27-3) sắp tới gần nhưng thật buồn khi trường hợp không may mắn đã tới với VĐV trẻ Phạm Gia Phái của thể thao Hải Dương...

1. Gia Phái không may mắn như các bạn đồng lứa và sớm qua đời ngày 23-3 vừa qua trong lúc tập luyện. Giám đốc Trung tâm đào tạo và huấn luyện thi đấu thể thao dưới nước tỉnh Hải Dương – ông Vũ Khắc Lịch chia sẻ : “Cháu Phái là VĐV môn đua thuyền canoeing, lúc đó đang tập luyện nhưng bị gặp vấn đề sức khỏe do cảm gió. Phái đã ngã xuống nước. Chúng tôi có bác sĩ tại đó sơ cứu và cho thở oxy ngay nhưng không qua khỏi”. Ông Lịch cũng khẳng định, Phạm Gia Phái là VĐV biết bơi tốt nhưng ở trường hợp bị cảm và ngã xuống nước như vậy nên không thể vượt qua được.

Theo tìm hiểu, Phạm Gia Phái năm nay mới 15 tuổi là VĐV thuộc tuyến đào tạo trẻ của đua thuyền canoeing Hải Dương. Tính tới năm nay, tay chèo này mới có 1 năm tập luyện chuyên nghiệp chính thức. Vì thế, hợp đồng 5 năm theo chương trình đào tạo của Phái ở đội đua thuyền Hải Dương còn chưa hết giai đoạn đầu thì VĐV đã gặp sự không may mắn. Do đầu tư của Hải Dương còn hạn chế, mức lương và trợ cấp cho Phạm Gia Phái chỉ trung bình 3 triệu đồng hàng tháng. Sau sự cố, lãnh đạo các ban ngành của tỉnh Hải Dương đã tới gia đình động viên và hỗ trợ phần quà nhỏ giúp người ở lại vượt qua nỗi buồn mất người thân.

Chuyện VĐV gặp sự cố như trên là bất khả kháng. Nhưng phần nào có thể thấy, vấn đề đảm bảo sức khỏe cũng phải đặt lên hàng đầu. Chuyện VĐV đang tập luyện, thi đấu bất ngờ bị cảm rồi tai nạn có không ít trường hợp nhưng trường hợp như Phạm Gia Phái ra đi ở tuổi 15 thì quá ngỡ ngàng.

Tai nạn lật thuyền thường xảy ra đối với các VĐV canoeing và rowing. Ảnh: T.L

2. Trao đổi trong ngày 24-3, trưởng bộ môn đua thuyền (Tổng cục TDTT) – bà Dương Thị Hồng Hạnh cho biết, trường hợp VĐV đua thuyền canoeing hay rowing, kayak đang tập luyện và gặp vấn đề sức khỏe bất chợt là bất khả kháng. “Ở đội tuyển, chúng tôi có các lịch khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ theo thời hạn cho các VĐV. Vì vậy, mọi tuyển thủ đều được đảm bảo tốt khi tập luyện, thi đấu”, bà Hạnh xác nhận.

Theo giới trong nghề, VĐV đua thuyền có đặc trưng riêng là luôn phải ở lưng chừng giữa mặt nước với khoảng không. VĐV phải khởi động kỹ và có trang phục đặc thù của đua thuyền bằng không dễ bị cảm do phía dưới (mặt nước) luôn có nhiệt độ thấp hơn so với phía trên (khoảng không không khí). Trong tập luyện, thi đấu thì người chèo vận động liên tục, mồ hôi ra nhiều và như vậy gặp chênh lệch nhiệt độ rất dễ gặp sự cố. Kể cả người bơi giỏi không được chủ quan khi đang ở trên thuyền tập luyện, thi đấu.

Cùng trong chia sẻ, bà Hạnh khẳng định ngoài kiểm tra sức khỏe định kỳ, đội tuyển có kiểm tra kỹ năng bơi của VĐV khi được lên đội tuyển quốc gia. Tại SEA Games 2015, trước thông tin rằng tay chèo Trương Thị Phương (đoạt HCV canoeing) không biết bơi, nhiều người đã tá hóa. Ngay lúc đó, lãnh đạo đội đua thuyền Việt Nam khẳng định chắc chắn điều đó không chính xác nhưng thực hư thì chỉ VĐV là HLV mới tỏ tường nhất. Phương sau khi trở về từ SEA Games 2015 không đề cập chuyện này chi tiết.

Thể thao Việt Nam không ít trường hợp VĐV trong lúc tập luyện đã gặp tai nạn và qua đời. Vì thế, câu chuyện của Phạm Gia Phái là nỗi buồn nhưng nó cũng phản ánh một thực tế, là tại địa phương công tác đảm bảo an toàn cho VĐV là có nhưng gặp khó về chi phí nên cũng chỉ ở chừng mực chứ không đày đủ, hiện đại nhất.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục