Tiếp sức cho học viện tài năng

Dự án Học viện tài năng Nutifood vừa công bố đã gây chú ý bởi đây là lần đầu tiên một học viện tài năng thể thao có mặt ở Việt Nam. Theo kế hoạch, học viện sẽ là nơi phát hiện, ươm mầm, huấn luyện và tạo điều kiện để một tài năng thể thao có thể đạt được thành tích đỉnh cao. Tuy nhiên, điều đó cũng mới dừng ở định hướng, bởi để học viện đi vào hoạt động đòi hỏi phải có rất nhiều yếu tố cộng hưởng, nếu không mô hình xã hội hóa này cũng khó đạt được kết quả như mong muốn.

Tại buổi công bố ra mắt dự án này, TS Trần Du Lịch đánh giá đây là một mô hình xã hội hóa hứa hẹn sẽ thành công bởi nó được thực hiện cùng cái tâm của nhà đầu tư. Ngoài yếu tố thương hiệu, để xây dựng mô hình này đòi hỏi phải kiên trì và… nhiều tiền. Đồng thời, nếu thiếu sự hỗ trợ, tạo điều kiện của ngành thể dục thể thao cũng như các địa phương có vận động viên, thì mục tiêu đặt ra khó hoàn thành. Có lẽ, rất hiểu điều này nên lãnh đạo Sở VH-TT TPHCM đã phát biểu ủng hộ, hứa tạo mọi điều kiện tốt nhất để học viện đi vào hoạt động. Tuy nhiên, cũng ngay tại buổi công bố, có ý kiến đặt ra rằng ngành thể dục thể thao thành phố sẽ hỗ trợ như thế nào khi mà mới mấy tháng trước đây nếu không có sự tháo gỡ kịp thời của dư luận thì vận động viên bơi lội Phương Trâm sẽ không còn là người của TPHCM.

Xa hơn nữa, nhiều trường hợp vận động viên tài năng như Tiến Minh, Thanh Hằng cũng lần lượt được… các địa phương khác hỗ trợ kinh phí hoặc trả lương hàng tháng. Đặt ra vấn đề này để thấy, định hướng và quyết tâm đã có nhưng để điều đó đi vào thực tế bằng những hành động cụ thể thì còn vướng nhiều thứ mà nếu không mạnh dạn tháo gỡ, quyết liệt giải quyết thì những trở ngại cho việc xã hội hóa thể thao vẫn còn.

Trước dự án học viện tài năng thể thao, Nutifood cũng đã thành lập học viện bóng đá. Đây là học viện theo mô hình của Học viện bóng đá HAGL - Arsenal JMG vốn đã cho ra lò nhiều cầu thủ xuất sắc, được đào tạo bài bản về kỹ năng lẫn văn hóa. Họ đã tuyển sinh và đang đào tạo lứa học viên đầu tiên. Tuy nhiên cho đến nay, ngoài tập luyện trên sân thuê, các học viên vẫn đang ăn ở tại một biệt thự cá nhân.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện nhà đầu tư cho biết họ được đề nghị cấp đất trong khu thể thao Rạch Chiếc để xây dựng học viện bao gồm các sân tập, khu học văn hóa, nhà nghỉ… Tuy nhiên cho đến nay, đây vẫn chỉ là khu quy hoạch vốn đã bị “treo” biết bao nhiêu năm nay. Sốt ruột vì chưa có địa điểm, nhà đầu tư chạy tìm nơi khác để thuê đất và tự đầu tư xây dựng. Nhưng dù tiền đã chuẩn bị sẵn nhưng những thủ tục liên quan về thuê đất, xây dựng học viện là một quá trình dài dằng dặc nên đến giờ này mọi thứ vẫn chưa chuyển động gì.

Thế nên, dự án học viện tài năng thể thao ra đời là tín hiệu rất tốt trong xã hội hóa thể thao, nhất là thể thao thành tích cao vốn trước nay ít có sự đầu tư xã hội hóa. Nhưng nhiều người cũng chưa mừng vội bởi từ dự án đến hiện thực là một quá trình cần sự quyết liệt của nhà đầu tư cùng với cơ chế phù hợp của nhà nước. Không ít trường hợp tiền nhà đầu tư đã có nhưng thiếu một cơ chế kịp thời nên không có được cái bắt tay hiệu quả. Dưới góc độ đầu tư, điều này là sự lãng phí.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục