Một mái ấm của thiếu niên cơ nhỡ

Kỳ 1: “Nối giáo cho giặc?”

Kỳ 1: “Nối giáo cho giặc?”

18 giờ: 30 võ sinh tập đấm, đá, vật nhau huỳnh huỵch trong một gian phòng ở Quận đoàn 6 (147 đường Cao Văn Lầu, quận 6)…

20 giờ: Lớp võ chuyển qua tập múa lân. Những điệu múa, nụ cười hòa cùng tiếng trống “cắc cắc, thùng thùng” liên hồi rộn ràng cả khu phố…

3 giờ sáng hôm sau: Cũng những gương mặt đó, nhưng người thì bán trà đá, đánh giày, người phụ bốc xếp, người lo đẩy hàng… ở chợ Bình Tây, chợ rau Mai Xuân Thưởng, bến xe Chợ Lớn…

Trên đây là vài hình ảnh các nay khoảng 17 năm. Tuy cũ nhưng nó mở đầu chặng đường hình thành và phát triển lớp CLB Vovinam và đội Lân-Sư-Rồng Phù Đổng, quận 6 TPHCM.

  • Ý tưởng “liều lĩnh”

Là cộng tác viên phụ trách địa bàn dân cư của Quận đoàn 6, đoàn viên Thanh niên đầy nhiệt huyết Lê Đình Phước có nhiệm vụ tập hợp, tổ chức cho thiếu niên xung quanh khu vực chợ rau Mai Xuân Thưởng vui chơi, múa hát.

Tuy sinh hoạt chung nhưng cảnh ngộ mỗi người một vẻ: em này nghèo khó, mồ côi, thất học, sống lang thang, em kia ngỗ nghịch, thậm chí một số em tụ tập thành băng nhóm quậy phá…

Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, Lê Đình Phước cảm thấy “không ăn” vì các em nhàm chán và chẳng thèm đến sinh hoạt. Không biết mặt cha từ lúc chào đời, nhà nghèo, hồi nhỏ cũng nghịch ngợm nhưng sau hơn 1 năm tập Vovinam, Lê Đình Phước đã đằm tính trở lại.

Từ đó, anh nảy sinh ý tưởng: “cho các em tập võ có lẽ sẽ phù hợp hơn” sau nhiều đêm trằn trọc. Nhưng khi đề xuất lên Ban Thường vụ Quận đoàn, anh đã gặp một số ý kiến không đồng ý.

Có người còn nói rằng cho tụi quậy phá tập võ chẳng khác gì “nối giáo cho giặc”. Nhưng cũng may, được sự ủng hộ của nhiều thành viên khác, nhất là Phó Bí thư Quận đoàn Lương Thị Cúc (hiện là chuyên viên Văn phòng UBND TPHCM), ý tưởng “liều lĩnh” trên mới được chấp thuận.

Lòng khấp khởi, Lê Đình Phước liền liên hệ với các Bí thư chợ, Bí thư phường 2 để cùng nhau vận động các thiếu niên cơ nhỡ, cá biệt vào lớp võ.

Anh Phước nhớ lại: “Những lúc xuống tận “lãnh địa giang hồ” để “giành giật” các em từ những tay “anh chị”, tôi thấy rùng mình. Lúc đó, nhỡ có tay nào “tặng” cho tôi một nhát dao thì sao?”.

Trầm ngâm một chút, Lê Đình Phước kể tiếp: “Lớp khai giảng ngày 24-10-1989 tại Quận đoàn 6. Trong số 30 em có mặt, hầu hết đều xốc xếch, tóc dài phủ gáy... Hai ba ngày đầu, các em chỉ mặc quần đùi, áo thun hoặc sơ mi mà tập luyện. Thế là tôi phải bỏ tiền túi mua tặng mỗi em một bộ võ phục”…

  • Lớp võ “đặc biệt”
Kỳ 1: “Nối giáo cho giặc?” ảnh 1

HLV Lê Đình Phước (thứ tư, từ trái).
Ảnh: V.T

Không quá đáng khi gọi lớp Vovinam trên là một lớp võ “đặc biệt”. Số em ngoan đếm chưa đủ 10 ngón tay. Hầu hết số còn lại đều xuất thân từ xóm Miễu, xóm Chùa, xóm Cầu Đò - khu tam giác khá phức tạp chung quanh chợ rau Mai Xuân Thưởng.

Từ 2 - 3 giờ sáng các em đã có mặt ở chợ, bến xe... Hè phố và nhu cầu mưu sinh đã làm các em thoái hóa. Vài em con nhà khá giả nhưng được nuông chiều quá mức sinh hư hỏng.

Mấy ngày đầu, các em vào lớp với tính cách “lề đường, hè phố”. Đứng trước thách thức này, thay vì trách mắng, Lê Đình Phước đã đến với các em bằng sự cảm thông.

Không chỉ tập đấm đá, các em còn được HLV giáo dục tinh thần võ đạo, tập múa lân, cắm trại, lao động công ích. Người thầy ban đầu từ từ trở thành người anh đáng tin cậy để các em giãi bày những nỗi buồn, những uất ức, những suy nghĩ nông cạn mà trước đây các em đã trút vào các cuộc ấu đả hoặc tìm cách quên đi trong men bia, khói thuốc…

Không ít lần Lê Đình Phước đã ra chợ, bến xe, thức suốt đêm để nghe các em rù rì tâm sự rồi lựa lời khuyên giải. Dần dần, những hiện tượng chửi thề, nói tục, ấu đả không còn tồn tại. Ngay cả chuyện chào hỏi, lễ phép, xưng hô thân mật cũng trở thành một ứng xử thú vị đối với các em!

* Nhiều em tính khí hung hăng, làm cách nào anh giúp các em không còn ẩu đả? - Tôi chất vấn.

- Trong một lần tập đấu đối kháng, Cu “lửa” bị trúng đòn, ôm tay nhăn mặt, tôi liền hỏi: “Em có đau không?”, Cu “lửa” liền đáp: “Dạ đau lắm anh ơi!”. “Đấu tập trúng đòn còn đau như vậy chứ ở ngoài đường các em lấy gậy phang vào người khác, chắc họ không đau à?”.

Sẵn dịp, tôi nhắc lại các em mục đích của người học Vovinam là để thân thể khỏe mạnh chứ không phải đánh nhau… Không rõ các em “thấm” đến đâu, nhưng dần dần tôi không còn nghe các em tham gia vào các cuộc ấu đả nữa. Lê Đình Phước từ tốn đáp.

  • Vết dầu loang

Tiếng lành đồn xa, nhiều em quậy phá ở khu Mã Lạng, xóm Chổi, xóm Giếng, hẻm 45, hẻm 99… đến ghi danh tập võ. Với số lượng khoảng 150 võ sinh/ngày, Lê Đình Phước buộc phải đưa nhóm võ sinh ban đầu lên phụ tá.

Lên làm “thầy”, các em càng tự kiềm chế hơn để làm gương. “Đàn anh” không còn quậy phá thì “đố thằng đàn em nào dám”. Lớp sau noi theo lớp trước từ từ đi vào nền nếp như vết dầu loang…

Lê Đình Phước tâm tình: “Chỉ độ 10% đóng học phí, số còn lại tập “chùa” nên phụ dạy võ với tôi các em chẳng hưởng đồng nào mà còn góp tiền - những đồng tiền có được từ những lần bốc xếp, đẩy xe, đánh giày cực nhọc - để mua võ phục cho đàn em.

Có thể nói 30 võ sinh lớp đầu tiên là “công thần” của CLB Vovinam và đoàn Lân-Sư-Rồng Phù Đổng quận 6. Không có các em phụ lực, tôi cũng bó tay”. Những biệt danh Cu “lửa”, Hoàng “phế”, Lễ “sóc”, Cù “lý”, Hải “ba vá”, Lộc “méo”… ngày trước đã đi vào dĩ vãng.

Họ và nhiều thanh niên khác đã trở lại cuộc sống bình thường: người dạy võ, anh làm tài xế taxi, người làm bảo vệ công ty… Lúc giã từ CLB, có bạn đã bật khóc: “Rồi đây tôi có còn được yêu thương như nơi tổ ấm này không?”.

Hãy nghe Lễ “sóc” khẳng định: “Hồi nhỏ tôi tụ tập đánh nhau suốt ngày. Nhờ anh Phước và lớp võ-đội lân mà tôi sửa đổi tính nết rồi đi nghĩa vụ quân sự. Hiện tôi đã có nghề nghiệp và cuộc sống ổn định”. Vài năm gần đây, B.T (18 tuổi) nổi tiếng quậy phá, đua xe, ấu đả… nhưng từ khi mẹ gửi vào lớp võ-đội lân, B.T cũng từ từ “lột xác” đến mức lối xóm ngạc nhiên, họ hàng khen ngợi….

THIỆN TÂM

Tin cùng chuyên mục