Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm đến các sự kiện thể thao, từ các đấu trường quốc tế cho đến các giải đấu trong nước. Liệu đây có phải là sân chơi hấp dẫn để các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu của mình?
Không thể phủ nhận rằng việc tài trợ các hoạt động thể thao phần nào sẽ giúp các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng. Do đó trong chiến lược marketing của mình, nhiều công ty luôn mong muốn làm sao có thể gắn kết hoạt động sản xuất kinh doanh với thể thao khi tham gia các tài trợ. Thậm chí nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để lập hẳn một đội bóng mang tên công ty mình. Khi đội bóng có tên tuổi sẽ góp phần đưa thương hiệu của doanh nghiệp lên cùng, hoặc chỉ cần nhắc đến tên doanh nghiệp hay sản phẩm là có thể biết ngay đội bóng hoặc môn thể thao được nhà sản xuất tài trợ.

U21 Quốc tế Báo Thanh Niên do Tôn Đông Á tài trợ là một trong những sân chơi góp phần phát hiện, bồi dưỡng các tài năng bóng đá trẻ cho thể thao Việt Nam.
Gần đây cũng không ít nhà sản xuất bỏ tiền tài trợ riêng các vận động viên (VĐV) từ trang phục đến chi phí đi lại, ăn ở khi ra nước ngoài thi đấu. Trong đó, VĐV thu hút tài trợ nhiều nhất là tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh. Anh từng được một nhà sản xuất trang phục thể thao Nhật Bản tài trợ trên 1 tỷ đồng/năm. Đối với thể thao, đây là tín hiệu đáng mừng, bởi theo chia sẻ của nhiều người trong ngành, nền thể thao Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn. Trường hợp các VĐV được các doanh nghiệp tài trợ còn khá ít. Nhiều VĐV nổi tiếng vẫn phải bỏ tiền túi ra khi tham gia thi đấu. Vì vậy sự góp sức của các doanh nghiệp dành cho thể thao là điều hết sức cần thiết và đáng trân trọng, góp phần xây dựng và phát triển nền thể thao nước nhà. Nhờ vậy mà mối quan hệ giữa doanh nghiệp và thể thao ngày càng gắn bó khăng khít hơn. Bởi đứng trên góc độ doanh nghiệp, họ vừa giúp ích cho nền thể thao vừa góp phần quảng bá thương hiệu, một công đôi việc nên không tiếc gì lại không làm!
Với một doanh nghiệp tâm huyết với nền thể thao nước nhà như Tôn Đông Á, việc tài trợ các hoạt động thể thao không chỉ đơn giản là được đặt biển quảng cáo trong các sự kiện thể thao lớn mà còn góp phần thúc đẩy nền thể thao trong nước phát triển. Đồng thời tạo ra một sân chơi chuyên nghiệp, hấp dẫn cho các VĐV Việt Nam. Qua đó phát hiện, nuôi dưỡng các nhân tài cho đất nước, góp phần giúp Việt Nam có cơ hội tham gia các đấu trường thể thao lớn trong khu vực và thế giới.
Có thể nói, mỗi doanh nghiệp có hướng đi riêng trong việc xây dựng và quảng bá hình ảnh thương hiệu đến người tiêu dùng. Thể thao có thể là bước đệm đưa doanh nghiệp đến gần công chúng hơn, nhưng đây không phải là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của bất kỳ công ty nào. Để quảng bá sản phẩm cũng như thương hiệu ra thị trường trong nước hay thế giới, doanh nghiệp có thể lựa chọn nhiều hình thức khác nhau chứ không chỉ có tài trợ thể thao. Và điều quan trong hơn cả, mang yếu tố quyết định vẫn nằm ở chính doanh nghiệp đó. Sản phẩm như thế nào, dịch vụ ra sao, có đáng tin cậy và đáp ứng được nhu cầu của thị trường hay không?
Nắm rõ vấn đề này nên Ban lãnh đạo Tôn Đông Á luôn tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ bên cạnh việc thực hiện các hoạt động tài trợ. Đến nay, Tôn Đông Á đã xây dựng và phát triển một mạng lưới phân phối rộng khắp trải dài từ Bắc vào Nam và đã xuất khẩu ổn định vào các nước ASEAN, châu Phi, Trung Đông. Đặc biệt, sản phẩm của Tôn Đông Á đã được xuất khẩu vào các thị trường phát triển yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, Úc, Nhật… và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.
Hoa Nguyễn