“Tháo ngòi” bản quyền truyền hình

Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến thời hạn (15-4-2016) Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPay TV) đưa ra để chờ câu trả lời về việc xúc tiến các cuộc gặp thương thảo hợp đồng của MP&Silva, đơn vị đang nắm bản quyền truyền hình Giải ngoại hạng Anh (EPL) tại Việt Nam giai đoạn 2016-2019. Thế nhưng thông tin mới nhất là MP&Silva sẽ không xúc tiến các hoạt động thương thảo vì họ không chấp nhận các điều kiện do VNPay TV đưa ra; ngoài ra truyền hình K+ cũng cho thấy là họ muốn có gói bản quyền này bằng mọi cách nên một lần nữa MP&Silva có thể ngồi chờ bán với mức giá mình mong muốn mà không bị một áp lực nào.

Thật ra, bản quyền truyền hình EPL không chỉ căng thẳng ở Việt Nam mà còn làm “điên đảo” các nhà đài trên khắp các nước. Sở dĩ các đài truyền hình Việt Nam không thể tiếp cận và mua bản quyền trực tiếp từ ban tổ chức EPL mà phải mua lại từ trung gian bởi tính phức tạp và cạnh tranh khốc liệt trong đấu thầu. Khi Giải ngoại hạng Anh ra đời năm 1992 sau khi 20 câu lạc bộ hàng đầu tách ra khỏi Football League thì ban tổ chức giải cũng hoạt động như một tập đoàn. Công tác điều hành giải độc lập với Liên đoàn Bóng đá Anh, trong đó có vấn đề bản quyền truyền hình. Phương pháp “đấu thầu mù” của EPL khiến cho các đơn vị nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm rất khó tiếp cận được bản quyền.

Theo đó, các đơn vị tham gia đấu thầu đều không biết có bao nhiêu đối thủ cạnh tranh, những ai đang nhắm đến gói nào, khu vực nào, giá đề xuất bao nhiêu… Với cách này, chỉ có những đơn vị dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại thể thao, có tiềm lực tài chính cực mạnh, có đội ngũ chuyên gia giỏi, có mối quan hệ thân thiết với ban tổ chức EPL thì mới có khả năng trúng thầu. Khó khăn trong đấu thầu là vậy, nên giá của các gói bản quyền luôn tăng đều ở tất cả các khu vực. Ngay cả gói bản quyền truyền hình trong lãnh thổ Anh đã tăng đột biến từ 1,5 tỷ USD giai đoạn 2013-2016 lên 2,6 tỷ USD giai đoạn 2016-2019; tương tự ở Mỹ tăng từ 83 triệu USD lên 167 triệu USD; khu vực châu Á như Hồng Công, Thái Lan, Malaysia… đều có mức tăng gấp đôi.

Trong bối cảnh đó, từ chỗ ủng hộ có một ban đàm phán chung đại diện cho các nhà đài để thương thảo với đối tác, đến giờ này dường như dư luận chấp nhận cách “tháo ngòi” của truyền hình K+. Theo các chuyên gia am hiểu lĩnh vực này, VNPay TV khó có thể thay mặt để đàm phán mua bản quyền bởi họ cũng chỉ là đại diện, còn bỏ tiền ra mua là các đài. Trong khi đó, xét về tiềm lực và mong muốn có gói bản quyền EPL với cái giá chắc chắn cao hơn nhiều so với 3 mùa trước thì hầu hết các đài trong hiệp hội đều thoái lui. Còn việc các đài cùng “hùn tiền” để mua là hết sức phức tạp trong việc phân bổ tỷ lệ góp cũng như chia sẻ các kênh phát sóng; ngoài ra đối tác cũng khó chấp nhận bán theo hình thức này.

Việc của ban đại diện hiện nay có lẽ là định hướng sao để đơn vị nào mua được bản quyền thì cũng không để ảnh hưởng đến quyền lợi người xem, nghĩa là giá thuê bao không tăng và dịch vụ mang lại phải cao hơn trước. Ngoài ra còn một khía cạnh khác cho thấy nhu cầu mua bản quyền là cần, bởi nếu không có bản quyền, người xem vẫn có thể xem EPL qua kênh internet, nhưng điều đó không được khuyến khích vì sẽ khiến chúng ta trở thành nơi vi phạm bản quyền nhiều nhất.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục