Ông Calisto đã bị đối xử như thế nào ?

Thành công mà lại bị hạ lương!

Thành công mà lại bị hạ lương!

Tiger Cup 2002 là một thời điểm đặc biệt của đội tuyển Việt Nam. Không ai đặt bất cứ chỉ tiêu nào cho đội tuyển và cũng chẳng có mấy quan chức VFF quan tâm đến tiến trình thi đấu của đội tuyển dưới thời HLV Calisto nhưng chính ông, với những khám phá của mình về nhân sự đã tạo nên thành công với chiếc huy chương đồng Tiger Cup 2002.

Thành công mà lại bị hạ lương! ảnh 1

HLV Calisto và BHL đội tuyển Việt Nam tại Tiger Cup 2002..

Đội tuyển Việt Nam tại kỳ giải đó đã để lại ấn tượng với lối chơi tấn công đẹp mắt và hàng loạt ngôi sao mới tỏa sáng cho đến ngày hôm nay.

Sau thành công tại Tiger Cup 2002, VFF quyết định cử TTK Phạm Ngọc Viễn đưa ra lời mời với ông Calisto vào chức vụ HLV trưởng đội tuyển Olympic tại SEA Games 22. Ông Viễn đã chủ động liên lạc với lãnh đạo CLB GĐT.LA về mọi vấn đề trong hợp đồng và VFF cũng đã có cuộc gặp với ông Calisto.

Tưởng chừng như mọi việc tiến hành suôn sẻ, ông Calisto về nước 1 tháng và khi trở lại, ông mới bất ngờ nhận được một bản fax của VFF với nội dung không chấp nhận ông.

Cực kỳ tức giận và mang cảm giác bị xúc phạm, ông Calisto đã mời báo chí đến dự một bữa cơm thân mật mà qua đó, người ta mới vỡ lở ra được nhiều điều.

Thứ nhất, VFF bỗng nhiên hạ lương của ông Calisto. Ở Tiger Cup 2002, lương ông là 10.000 USD cộng với các khoản phụ cấp khác nhưng trong đề nghị mới, tổng cộng toàn bộ lương và phụ cấp là 10.000 USD.

Ông Calisto đã chủ động liên lạc với VFF đề nghị nên giữ mức lương như cũ và ông sẵn sàng cho phép VFF sử dụng hình ảnh của ông để làm quảng cáo nhằm chi trả cho khoản tiền mà VFF muốn cắt bớt.

Điều làm ông Calisto tức giận đó là sau thành công tại Tiger Cup 2002, lẽ ra ông phải được tăng lương nhưng ngược lại. Calisto tuyên bố “tôi sẵn sàng nhận mức lương tại Tiger Cup 2002 cộng với 1 USD danh dự”.

Gây khó bằng tiền lương không xong, VFF lại tìm ra một lý do hết sức buồn cười: Kế hoạch của ông Calisto không có tính kế thừa. Trong kế hoạch của ông Calisto có chuyện là ông không đưa ông Nguyễn Thành Vinh, người đang làm công tác tập hợp các cầu thủ cho đội tuyển Olimpic.

Ông Calisto yêu cầu cho phép ông tự chọn các cầu thủ mà ông muốn chứ không theo bất cứ đội hình được chọn lựa nào. Rõ ràng, ông Calisto đã thành công với những phát hiện của mình tại Tiger Cup 2002 nhưng VFF vẫn không chịu chấp nhận. Họ yêu cầu cần phải có “tính kế thừa” đối với những gì họ đã chọn. Một việc làm dũng cảm của Calisto cuối cùng lại bị đối xử tệ hại như vậy.

Thật ra, trước khi gởi cho ông Calisto một bản Fax hết sức thô thiển và “mất lịch sự” ấy, VFF đã “lỡ’ nối liên lạc với ông Riedl và khi HLV người Aùo này đồng ý với các điều khoản của VFF thì tổ chức này vội vã gạt phắt ông Calisto ra một bên dù hai bên đã đạt đến giai đoạn cuối của cuộc thương thảo.

Thế nên mới có chuyện VFF ngại gặp mặt từ chối đành phải gởi một bản Fax vô tri vô giác vào cho ông Calisto, khắc hẳn cách mời trọng thị mà chính họ dành cho ông trước đó. Calisto sau này cho biết ông có cảm giác mình chỉ là trái cam bị vắt cạn nước rồi vứt bỏ.

Sau sự kiện đó, chính Calisto đã cho biết mình khó lòng hợp tác với những người đã mời ông.

Và khi đã bỏ hết chuyện cũ, chấp nhận mọi điều ràng buộc của hợp đồng, ông Calisto một lần nữa bị gạt sang bên một cách lộ liễu và đầy những nghi ngờ về cái Tâm, cái Tầm của thường vụ VFF.

Tài năng và tình yêu bóng đá của ông Calisto không có gì phải bàn cãi. Những hiểu biết của ông về bóng đá Việt Nam có thể nói rành rẽ hơn tất cả các chuyên gia nước ngoài khác nhưng ông luôn luôn bị đặt ở thế sẵn sàng trở thành người thừa bất cứ lúc nào.

Cho đến thời điểm này, càng có thể đoan chắc rằng: VFF đang đối xử với một chuyên gia bóng đá đầy tâm huyết với thái độ thiếu hẳn tính nhân văn. Vị HLV từng có thành công với đội tuyển Việt Nam này sau cùng vẫn chỉ là một “trái độn” trong các toan tính mang đầy cảm tính và cá nhân của  lãnh đạo VFF nhiệm kỳ 4.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục