Sức sống cuộn chảy

Những hình ảnh tại sân Thanh Hóa, Chi Lăng, Cẩm Phả khiến chúng ta nhớ lại bóng đá của… thời bao cấp. Người người lũ lượt đến sân từ giữa trưa, tranh nhau mua vé và “đánh chiếm” mọi không gian có thể xem được trận đấu từ bên trong lẫn bên ngoài khán đài…

Những hình ảnh tại sân Thanh Hóa, Chi Lăng, Cẩm Phả khiến chúng ta nhớ lại bóng đá của… thời bao cấp. Người người lũ lượt đến sân từ giữa trưa, tranh nhau mua vé và “đánh chiếm” mọi không gian có thể xem được trận đấu từ bên trong lẫn bên ngoài khán đài…

Tại sao điều đó khiến chúng ta nhớ tới “thời bao cấp”? Đơn giản vì chẳng có gì của trận đấu làm chúng ta biết rằng đây là bóng đá của thời chuyên nghiệp cả. Khán giả đông đến như thế, xem bóng đá theo cách cuồng nhiệt như thế, đã có từ mấy chục năm trước rồi chứ đâu phải bây giờ.

Khán giả chẳng bao giờ thay đổi cả. Thời nào cũng thế, cứ đội nhà chịu đá vì mình thì họ cũng sẽ đến sân. Như ở Quảng Ninh, khi đội của ông Đinh Văn Nghĩa chơi “như lên đồng” thì sân Cẩm Phả chẳng bao giờ còn chỗ trống. Đấy là đội bóng không có ngôi sao, ít kinh nghiệm nhưng ra sân thì cứ dốc hết 100 sức lực mà đá, người hâm mộ đâu thể để họ cô đơn.

Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn phát triển theo kiểu đề án “Made in Việt Nam”… Ảnh: Hoàng Hùng

Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn phát triển theo kiểu đề án “Made in Việt Nam”… Ảnh: Hoàng Hùng

Hãy lấy sân Chi Lăng làm ví dụ. Đội nhà vừa có chuỗi 4 trận không thắng, SLNA cũng không phải là đội mạnh gì trong thời điểm hiện tại. Nhưng đây là một cặp đấu nhiều duyên nơ, là “kình địch” của nhau.

Hơn thế, trước trận đấu CĐV xứ Nghệ “quậy tưng” Đà thành phô diễn khí thế rầm rộ khiến người hâm mộ sông Hàn “nóng mặt” kéo nhau vào sân để phô trương thanh thế. Trận đấu vì vậy có đến hơn 2 vạn khán giả tạo ra một bầu không khí cuồng nhiệt không thể tả nổi.

Thế đấy, chỉ đơn giản vậy thôi. Bóng đá cấp CLB thời nào cũng thế, cái “chất địa phương” có sẵn, chỉ cần những đội bóng biết điều đó mà phát huy thì làm sao bóng đá nội “chết” được.

Thành ra, chúng ta phải đặt câu hỏi: Bóng đá chuyên nghiệp đóng góp được gì trong dòng chảy vẫn cuồn cuộn ở làng cầu nội địa?

Câu trả lời hình như là một con số 0 tròn trĩnh. Khán giả đông nhưng CLB vẫn “đói” tiền và giải đấu vẫn phải chạy ăn từng bữa trong việc tìm tài trợ. Hình ảnh của giải đấu vẫn rất dễ bị tổn thương bởi bạo lực và tiếng còi thiếu công minh của trọng tài.

Tình cảm của khán giả hâm mộ tại sân Cẩm Phả vẫn nồng cháy như thuở nào. Ảnh: Quang Thắng

Tình cảm của khán giả hâm mộ tại sân Cẩm Phả vẫn nồng cháy như thuở nào. Ảnh: Quang Thắng

Các CLB mang tiếng chuyên nghiệp vẫn sẵn sàng lao vào nhau để ẩu đả chỉ vì một sự cố bé tí. Năng lực tổ chức trận đấu vẫn luôn ở trong tình trạng vừa học, vừa làm.

Điều đó cho thấy các nhà quản lý bóng đá Việt Nam “có tội” với người hâm mộ.  Khán giả không hề thay đổi tình yêu của mình nhưng suốt hơn một thập kỷ phát triển vừa qua, người ta chẳng đem lại điều gì tốt đẹp hơn cả.

Những gì trước đây bóng đá bao cấp không làm được thì bây giờ, cũng chẳng làm được. Tiền không có, tính chuyên nghiệp không tăng, chất lượng thi đấu thì giậm chân tại chỗ và các đội bóng có xu hướng quay về “núp” dưới nguồn ngân sách địa phương để tồn tại.

Giá như 10 năm trước, những nhà quản lý chịu khó học hỏi cho kỹ cách làm bóng đá chuyên nghiệp của nước ngoài hoặc thậm chí “nhập khẩu” luôn công nghệ tổ chức thì mọi thứ sẽ tốt hơn nhiều.

Đằng này, họ lại ngồi một chỗ, tự “vẽ” ra đề án chuyên nghiệp theo kiểu “Made in Việt Nam” rồi cắm đầu mà làm dù chẳng có mấy ai hiểu thật sự về bóng đá chuyên nghiệp. Để giờ đây, bản đề án ấy chẳng đem lại bất kỳ điều gì…

Hồ Việt


Sân đông, nỗi lo tăng thêm

Khán giả đến sân tăng đột biến nhưng nhìn cái cách mà sân Thanh Hóa tổ chức bán vé, lại thấy lo cho công tác tổ chức trận đấu bởi hình như dù đã trải qua hơn 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp nhưng cách để quản lý sự cố vẫn khá lạc hậu.

Ngay chuyện bán vé, dù đã lường trước việc khán giả sẽ vượt sức chứa của sân nhưng ngay việc tổ chức xếp hàng mua vé cũng không thể gọn gàng, dẫn đến cảnh chen lấn, xô đẩy tại những quầy bán vé cổ lổ bé tí, để có vé vào sân.

Lực lượng an ninh đông đảo nhưng việc kiểm soát vẫn cứ thủ công như mấy chục năm trước. Những bài học từ sân Vinh vẫn có thể xảy ra lần nữa tại sân Thanh Hóa khi trên thực tế, các điều kiện của cơ sở vật chất vẫn chẳng khác gì thời bao cấp. Đấy là chưa kể, ngay tại sân Thanh Hóa, cũng đã nhiều lần xảy ra sự cố về khán giả.

Vẫn cảnh chen lấn trước phòng vé tại sân Thanh Hóa trước trận gặp Hà Nội T&T. Ảnh: Minh Hoàng

Vẫn cảnh chen lấn trước phòng vé tại sân Thanh Hóa trước trận gặp Hà Nội T&T. Ảnh: Minh Hoàng

Khán giả đông thì ai cũng vui nhưng chỉ cần một tai nạn nghiêm trọng, niềm vui ấy có thể chẳng còn ý nghĩa. Điều đáng tiếc là đến nay, chẳng ai bảo đảm các BTC sân đã đủ kinh nghiệm để tổ chức trận đấu theo cách chuyên nghiệp khi mà ngay chính những điều phối viên của BTC V-League tham gia phối hợp điều hành trận đấu cũng chỉ “tự học, tự làm” chứ đã được trải qua kinh nghiệm ở những nơi có trình độ cao hơn đâu.

Chấn thương nghiêm trọng của cầu thủ Bruno (đội Than Quảng Ninh) có lỗi rất lớn từ mặt sân Cẩm Phả vốn ít cỏ, nhiều cát. Riêng sân này, trước giải VPF đã kiểm tra và đưa ra một bản danh sách các điều kiện chưa đủ tiêu chuẩn thi đấu. Theo chúng tôi biết, phần lớn các điều kiện đó vẫn chẳng cải thiện gì nhưng Than Quảng Ninh vẫn được đá tại Cẩm Phả.

Việt Long

Tin cùng chuyên mục