Quần vợt không còn tay vợt Việt kiều

Gánh nặng trách nhiệm sẽ đè lên đôi vai Lý Hoàng Nam, khi anh dẫn dắt các đồng đội của đội tuyển quần vợt Việt Nam tham dự SEA Games 31, trong tình trạng không còn tay vợt Việt kiều nào “chia lửa”. Đây sẽ là thách thức lớn với Lý Hoàng Nam nói riêng, với quần vợt Việt Nam nói chung, cho tham vọng bảo vệ tấm HCV từng giành được ở SEA Games 2019.

Tay vợt Việt kiều Daniel Nguyễn (trái) sẽ không còn đồng hành với Lý Hoàng Nam ở đấu trường SEA Games 31. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Tay vợt Việt kiều Daniel Nguyễn (trái) sẽ không còn đồng hành với Lý Hoàng Nam ở đấu trường SEA Games 31. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Daniel Nguyễn giải nghệ, Thái Sơn Kwiatkowski chấn thương

Ở SEA Games 30 tại Manila (Philippines), quần vợt Việt Nam đã làm nên lịch sử khi giành được 1 HCV ở nội dung đơn nam, 1 HCB ở nội dung đơn nữ và 3 HCĐ ở các hạng mục đánh đôi. Lần đầu tiên từ khi tái gia nhập SEA Games, quần vợt Việt Nam mới tạo ra thành tích ấn tượng đến như vậy.

Riêng ở nội dung đơn nam, trận đấu chung kết chính là “câu chuyện nội bộ của người Việt”, vì Lý Hoàng Nam có cơ hội đối đầu với tay vợt Việt kiều Daniel Nguyễn. Dù đẳng cấp và dày dạn kinh nghiệm trận mạc, nhưng rốt cuộc Daniel đã phải chịu khuất phục trước sức trẻ của Lý Hoàng Nam. Tay vợt số 1 Việt Nam đã lên ngôi vua của Đông Nam Á với chiến thắng 6-2, 6-4.

Điều đó nhiều khả năng sẽ không thể tái diễn ở kỳ SEA Games tại sân nhà, với môn quần vợt sẽ khởi tranh tại Trung tâm Thể thao và giải trí Hanaka (Bắc Ninh). Daniel đã giải nghệ vì lớn tuổi (tay vợt 31 tuổi từng xếp hạng 189 thế giới không thi đấu từ năm 2019). Trong khi đó, tài năng Mỹ gốc Việt là Thái Sơn Kwiatkowski (hạng 322 thế giới) dù hoàn tất thủ tục nhập tịch Việt Nam vẫn không tham dự kỳ SEA Games tại quê nhà do chấn thương cổ tay.

Thái Lan sẽ trỗi dậy

 SEA Games tại Philippines gây thất vọng nhất với quần vợt Thái Lan. Lần đầu tiên trong lịch sử, Thái Lan không giành được tấm HCV nào. Họ đoạt 2 HCB và 2 HCĐ ở các nội dung đôi nam và đôi nam nữ.

Hiện tại, tuyển quần vợt Thái Lan đã đặt mục tiêu giành 2 HCV ở các nội dung thi đấu trong thời gian sắp tới. Để theo đuổi mục tiêu này, các thành viên tuyển quần vợt Thái Lan tuân thủ chương trình khoa học thể thao của Đại học Kasetsart từ cuối năm ngoái. Chương trình bao gồm các chế độ dinh dưỡng, tâm lý, thể chất và rèn luyện thể lực.

Ngoài ra, các chương trình thi đấu khác như VL thứ 2 giải quần vợt vô địch quốc gia Thái Lan, vòng đấu play-off Davis Cup - World Group II, tuyển Thái Lan (với Yuttana Charoenphon, Wishaya Trongcharoenchaikul, Kasidit Samrej, Kasidit Samrej và đội trưởng Pruchya Isarothua) thua sát nút tuyển Latvia 2-3, cũng chính là những nơi sát hạch và chuẩn bị cho các thành viên vực dậy thế lực quần vợt Thái Lan.

Indonesia muốn bảo vệ ngôi số 1

 Ở SEA Games 2019, quần vợt Indonesia xuất sắc giành ngôi nhất toàn đoàn với thành tích 3 HCV, 2 HCĐ. Dù gặp nhiều khó khăn, họ vẫn muốn bảo vệ ngôi vương. Đội tuyển quần vợt nam Indonesia đã bay sang Thái Lan từ ngày 14-4, không chỉ tham dự giải Men’s Future mà còn tiếp tục ở lại đây trong 2 tuần để chuẩn bị sẵn sàng cho SEA Games 31.

Muhammad Rifqi Fitriadi, người đã giành HCV ở PON Papua 2021 (Tuần lễ Thể thao quốc gia Indonesia do Papua tổ chức), kỳ vọng sẽ tranh HCV ở nội dung đơn nam của SEA Games năm nay. Ngoài ra, anh muốn hợp sức cùng “đàn anh” Christopher Rungkat (năm nay 32 tuổi) tranh thêm HCV ở nội dung đôi nam.

Tin cùng chuyên mục