Phấn đấu nâng tầm bóng rổ

PHƯƠNG NAM

Saigon Heat thất bại trận thứ hai ở giải nhà nghề Đông Nam Á, nhưng số lượng khán giả đến sân cổ vũ cũng như sự quan tâm của công chúng đến bộ môn này càng tăng, đó là điều thuận lợi để bóng rổ Việt Nam phát triển như định hướng mà ngành thể dục thể thao đặt ra vừa qua. Theo định hướng này, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam (VBF) cố gắng xây dựng và phát triển để đưa bóng rổ trở thành môn đứng thứ hai sau bóng đá.

Mục tiêu đặt ra là quá lớn và thật khó đạt được trong nhiệm kỳ này, nhưng có những lý do để tin khi đường hướng xây dựng đã được hình thành, nguồn lực xã hội mạnh, và nhất là sự quan tâm chỉ đạo rất tích cực từ lãnh đạo ngành. Đại hội VBF trong tháng 10-2015, ngoài bầu ra một ban chấp hành với những nhân vật uy tín đảm nhiệm các nhiệm vụ quan trọng, cũng đã xây dựng một chiến lược phát triển bộ môn bóng rổ dài hạn. Những “công đoạn” quan trọng được đặt ra là khâu đào tạo trẻ từ bóng rổ học đường, thành lập các câu lạc bộ chuyên nghiệp, tổ chức giải bóng rổ nhà nghề quốc gia…

Và để nhìn rõ hơn tương lai, cần trở lại mô hình Saigon Heat, một câu lạc bộ bóng rổ nhà nghề đầu tiên của Việt Nam. Có thể nói, Saigon Heat ra đời, rồi thi đấu tưng bừng ở giải nhà nghề Đông Nam Á trong bốn mùa vừa qua là một bất ngờ với người hâm mộ. Bóng rổ vốn không phát triển mạnh ở Việt Nam mặc dù rất nhiều học sinh hiện nay đam mê tập và chơi bóng rổ. Vì vậy, thật khó tin lại có thể có một câu lạc bộ nhà nghề ra đời và thu hút một lượng khán giả lớn hùng hậu đến sân cũng như cổ vũ như vừa qua. Bóng rổ luôn là thế mạnh của các nước như Philippines, Singapore, Thái Lan… nên cạnh tranh ngang ngửa với các câu lạc bộ nhà nghề của họ đã là một thành công.

Tuy nhiên, dù Saigon Heat đã hâm nóng bộ môn, nhưng đây vẫn là cách làm chữa cháy. Nòng cốt của câu lạc bộ vẫn là cầu thủ nước ngoài, một khi phong độ họ xuống thì không ai có thể thay thế. Hiểu được điều này cũng như thực hiện kế hoạch dài hạn, Saigon Heat mùa này đã đẩy mạnh “nội địa hóa”, đào tạo và sử dụng nhiều vận động viên nội hơn trong đội hình. Cũng không thể đơn thương độc mã, lãnh đạo câu lạc bộ đang thực hiện kế hoạch hỗ trợ để thành lập thêm các câu lạc bộ nhà nghề khác. Việc hỗ trợ gần như mọi mặt như quy chế tổ chức, đào tạo và chuyển nhượng vận động viên cho đến kinh phí hoạt động từ nguồn xã hội hóa. Đây là yêu cầu tối thiểu để hình thành giải nhà nghề trong nước, từ đó làm cơ sở phát triển bộ môn ngày càng sâu rộng hơn.

Thành công đến đâu và mục tiêu đưa bóng rổ trở thành môn thể thao thứ hai sau bóng đá có hoàn thành trong nhiệm kỳ VBF này hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, nhưng sự “khởi động” trong thời gian vừa qua đã cho thấy quyết tâm của những người có trách nhiệm và đam mê với bộ môn này. Từ mô hình Saigon Heat đến chiến lược của VBF và sự ủng hộ của người hâm mộ, hy vọng bóng rổ sẽ phát triển thành công và không đi vào vết xe đổ của một số môn thể thao khác.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục