“Phá hoại tài chính”

Doanh thu của Man.United tăng vọt, nhưng tiền cũng lại bị rút hết ra ngoài. Trả cho chi phí, cho lãi suất ngân hàng. So ra thì cuối cùng lại là lỗ. Theo báo Guardian, vay nợ để mua các CLB nổi tiếng rồi sau đó ấn các khoản vay xuống bắt các CLB tự trả thì điều đó gọi là “phá hoại tài chính”.
“Phá hoại tài chính”

Doanh thu của Man.United tăng vọt, nhưng tiền cũng lại bị rút hết ra ngoài. Trả cho chi phí, cho lãi suất ngân hàng. So ra thì cuối cùng lại là lỗ. Theo báo Guardian, vay nợ để mua các CLB nổi tiếng rồi sau đó ấn các khoản vay xuống bắt các CLB tự trả thì điều đó gọi là “phá hoại tài chính”.

Tại sao họ lại chọn ngay cái tuần đầy nhạy cảm này, chỉ có họ mới trả lời được. Nhưng họ đã chọn. Đúng vào những ngày tên tuổi vinh quang của Liverpool rơi vào cảnh rối tung rối mù, một tên tuổi hiện còn vinh quang hơn là Man.United đã công bố một mức thâm hụt rất lớn: 84 triệu bảng Anh. Dưới mắt David Conn của báo Guardian, điều đó chỉ càng thêm u ám.

Phải rồi, một tên tuổi cỡ Man.United lẽ ra phải là giàu nhất bóng đá Anh. Bởi vì trong vòng một năm tính tới tháng 6 năm nay, Man.United đã thu được không dưới 286 triệu bảng từ 76.000 chiếc ghế của Old Trafford, từ bản quyền truyền hình và các hoạt động thương mại khác. Cân đối chi phí hoạt động, họ trở thành CLB đầu tiên của Premier League có lời hơn 100 triệu bảng. Vậy mà cuối cùng vẫn lỗ 84 triệu.

Lỗ chủ yếu là do phải ngắt ra 40 triệu trả lãi suất cho 500 triệu bảng Anh mà gia đình Glazer đã vay từ trái phiếu do các nhà băng phát hành hồi tháng 1, rồi còn do cũng phải ngắt ra 41 triệu trả trước cho mức lãi suất gia tăng mà các vị chuyên gia tài chính của Man.United đã thỏa thuận trước đây. Để hình dung cho dễ, cứ coi như toàn bộ số tiền bán Cristiano Ronaldo cho Real hồi năm ngoái bị cúng hết cho các tổ chức tài chính mà theo David Conn thì “chắc chắn không thể tin được họ gặp may đến thế trong thời buổi khủng hoảng kinh tế”.

Điều đáng nói hơn ở đây, theo David Conn, là cách ăn nói của những người trong cuộc như David Gill. Vị Giám đốc điều hành của Man.United đã phán như thể cái quả núi nợ nần (bây giờ đã lên đến 769 triệu bảng) chẳng hề ảnh hưởng tí ti nào đến Man.United. Ừ thì tiền vào rất nhiều, nhưng tiền ra cũng quá nhiều. Nào là lãi suất của 500 triệu tiền trái phiếu, nào là 13 triệu trả chi phí cho các nhà băng ấn hành những trái phiếu ấy, nào là lãi suất 14,25% của 202 triệu trước đó...

Sự phản đối của người hâm mộ Man.United: Ngay sau lưng HLV Ferguson là một tấm bảng “Glazer, cút đi!”.

Sự phản đối của người hâm mộ Man.United: Ngay sau lưng HLV Ferguson là một tấm bảng “Glazer, cút đi!”.

Gộp tất cả lại, gia đình Glazer chỉ riêng trong một năm qua đã ngốn mất 123 triệu bảng Anh. Còn nếu tính từ năm 2005, khi nhà tỷ phú Malcolm Glazer mua Man.United với phần lớn là tiền vay ngân hàng rồi biến CLB này thành con nợ, chi phí tổng cộng lên đến 583 triệu bảng tiền phí ngân hàng, tiền lãi suất và các khoản khác. Chả trách gì Man.United mấy năm nay mua cầu thủ quá ít, mặc dù David Gill cứ ra sức thanh minh rằng đang có sẵn 163 triệu trong nhà băng, chỉ là Sir Alex Ferguson không muốn xài đấy thôi. “Với hình mẫu kinh doanh như hiện nay, chúng tôi hoàn toàn ung dung thoải mái”, Gill nói.

Thật vậy chứ? Ở Anfield cũng y chang như thế, nhưng ngoài các ông chủ CLB ra, có thấy ai thoải mái đâu! Sau khi Tom Hicks đăng đàn tuyên bố rằng “doanh thu của Liverpool tăng gần gấp đôi, đầu tư cho lực lượng cũng tăng lên và Liverpool là một trong những CLB có lời nhất Premier League” thì cả Giám đốc kinh doanh Ian Ayre, Tổng giám đốc Christian Purslow cũng như Chủ tịch Martin Broughton đều phản đối dữ dội.

Nên nhớ Broughton là Chủ tịch British Airways, là một trong những nhà doanh nghiệp hàng đầu nước Anh chứ hoàn toàn chẳng phải tay mơ. Ông chịu khó đến Liverpool ngồi vào chiếc ghế chủ tịch mà không ăn lương là để tìm mọi cách khắc phục tình hình cho CLB này chứ không phải che đậy và biện hộ bằng những điều dối trá. Đã nợ lớn thì dứt khoát tổn hại lớn, nhất là khi nợ do những ông chủ chỉ đặt lợi ích cá nhân lên trên hết tất cả, bất chấp CLB: “Nếu bạn chỉ mua CLB bằng vốn vay, điều đó chỉ tồi tệ cho CLB”.

Hai tuần trước, Tổng giám đốc Purslow (tương đương với David Gill ở Man.United) cũng đã nói thẳng: “Một phần quá lớn lợi nhuận chỉ dành cho trang trải nợ nần, lãi suất và chi phí ngân hàng. Tôi rất muốn mỗi đồng xu ấy được chi vào lực lượng thi đấu. Trong những hôm đi làm, hôm nào tôi cũng trông mong cái ngày chúng ta giảm nợ, dành tiền lời đầu tư vào cầu thủ”. Nói vậy tức là Purslow cũng đã làm như Martin Broughton - nói ra sự thật. Họ không lấp liếm, không lảng tránh sự thật như các vị điều hành Man.United đang làm. Và dĩ nhiên, chuyện nói thẳng ra như vậy dù nghe khó chịu nhưng vẫn lại... dễ chịu hơn sự lấp liếm.

Vì theo David Conn, vay nợ để mua các CLB nổi tiếng rồi sau đó ấn các khoản vay xuống bắt các CLB tự trả thì điều đó gọi là “phá hoại tài chính”. Doanh thu của Man.United cứ thế tăng vọt, nhưng tiền thì lại cứ thế chảy hết ra ngoài. Lẽ ra Premier League phải bảo vệ những tên tuổi huyền thoại của bóng đá Anh bằng cách ngay từ đầu ngăn cấm “phá hoại tài chính” thay vì im lặng một cách lạ lùng như thế...

Hưng Nguyên tổng hợp

Tin cùng chuyên mục