Vốn không được nuôi dưỡng bởi mạch máu, sụn khớp không được cơ thể nhận biết như là “người nhà”. Vì vậy, thay vì bảo vệ, cơ thể lại có cơ chế hủy hoại sụn ngay khi phát hiện những tổn thương nhỏ đầu tiên của cơ quan này, khiến quá trình thoái hóa khớp diễn ra ngày càng nhanh hơn.
Sụn khớp hư tổn là một vấn đề lớn của cơ thể vì khi đó sụn khớp không có khả năng tự sửa chữa, phục hồi. Nhà giải phẫu học Scotland William Hunter (1718-1783) từng nhận định như thế cách đây hơn 260 năm. Những kiến thức y học gần đây - ở cấp độ miễn dịch học phân tử, một lần nữa khẳng định điều này và đi xa hơn khi cho thấy, chính hệ miễn dịch của cơ thể đã vô tình hủy hoại sụn khớp khi có tình trạng viêm xảy ra. Sau đây là một số nguyên nhân cơ bản:
Vận động thái quá
Hàng ngày sụn khớp phải chịu tác động của nhiều lực nén, lực ma sát khi cơ thể vận động nên dễ bị bào mòn qua thời gian. Cạnh đó, các trường hợp chấn thương tại khớp do tập luyện, tai nạn cũng khiến hủy hoại sụn nghiêm trọng. Nghiên cứu từ Đại học California (Mỹ) trên 200 người khỏe mạnh ở tuổi 45 và 60 cho thấy, những người hay vận động mạnh có nguy cơ cao bị sưng khớp - dấu hiệu thường gặp khi sụn thoái hóa.

Tuổi tác của cơ thể
Bình thường, sụn khớp cần có quá trình tổng hợp, sửa chữa để cân bằng với quá trình phá hủy. Tuy nhiên khi có tuổi, quá trình tổng hợp của sụn bị suy giảm do sự lão hóa chung của cơ thể. Chưa kể, tế bào sụn cũng không có khả năng sinh sản và tự tái tạo sau tuổi trưởng thành.
Bệnh tật
Nhiều bệnh có ảnh hưởng đến xương khớp và tác động xấu đến sụn như béo phì, gout, tiểu đường… Nghiên cứu gần đây về mối quan hệ giữa các yếu tố nguy cơ và thoái hóa khớp gối ở nữ giới tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương cho thấy, phụ nữ thừa cân, béo phì trên tuổi 40 có khả năng bị thoái hóa khớp gối cao gấp 6 lần so với người bình thường.

Do hệ miễn dịch phá hủy
Đặc biệt, khi sụn khớp hư tổn, quá trình viêm diễn ra, hệ miễn dịch được kích hoạt để dọn dẹp những phần sụn bị đứt, vỡ dưới sự chỉ huy của tế bào T-Killer (tế bào dọn dẹp những phần tử hư hỏng trong cơ thể). Tuy nhiên, vì sụn được nuôi dưỡng bởi dịch khớp thay vì bởi máu nên hệ miễn dịch không nhận biết sụn như một thành phần của cơ thể. Hậu quả là thay vì bảo vệ, hệ miễn dịch ra lệnh tổng tấn công “kẻ ngoại lai” sụn khớp khắp nơi, bất kể sụn hư hay khỏe mạnh. Chính việc này đã đẩy quá trình hủy hoại sụn khớp diễn ra nghiêm trọng hơn.
Tóm lại, con người không thể tránh khỏi quy luật lão hóa tự nhiên của cơ thể nói chung và sụn khớp nói riêng, tuy nhiên để tránh cơ thể tự hủy hoại sụn khớp, bên cạnh vận động phù hợp, hạn chế nguy cơ mắc bệnh liên quan, điều quan trọng là giúp hệ miễn dịch nhận ra sụn khớp là “người nhà” để bảo vệ và tái tạo sụn hiệu quả nhất, cân bằng dinh dưỡng để giúp nuôi dưỡng, tái tạo sụn khớp và điều hòa miễn dịch, làm chậm quá trình viêm và hư hại sụn.
BS HÀ ANH DUY
(Chuyên khoa cơ xương khớp)