Những mệnh lệnh hành chính

VFF vừa có công văn đề nghị các CLB phải giải quyết toàn bộ những phát sinh từ các bản hợp đồng cũ khi tiếp nhận các cầu thủ đến từ các đội bóng đã giải tán. Nếu không thì VFF sẽ không cho phép thi đấu. Nghe thật quyết tâm làm sao vì cứ tưởng VFF đang bảo vệ quyền lợi các cầu thủ.

VFF vừa có công văn đề nghị các CLB phải giải quyết toàn bộ những phát sinh từ các bản hợp đồng cũ khi tiếp nhận các cầu thủ đến từ các đội bóng đã giải tán. Nếu không thì VFF sẽ không cho phép thi đấu. Nghe thật quyết tâm làm sao vì cứ tưởng VFF đang bảo vệ quyền lợi các cầu thủ.

Nhưng đặt ở góc độ CLB thì nếu không cho thì… thôi, không ký hợp đồng. CLB có ảnh hưởng thì cũng chỉ chút ít chứ thiệt hại nặng nhất vẫn là cầu thủ. Có thể hiểu, VFF dự kiến sẽ “ép” các CLB phải thực hiện nghĩa vụ đàng hoàng, nhưng họ quên rằng số CLB thật sự cần cầu thủ thì ngày càng ít đi, thậm chí hình như cũng chẳng còn đội nào muốn bổ sung lực lượng, nhất là phải dang tay giải quyết các phát sinh rắc rối từ những bản hợp đồng cũ của các cầu thủ đến từ những đội đã giải tán. Giải pháp tốt nhất là không ký và cầu thủ muốn đấu tranh cho quyền lợi của mình, chỉ còn cách đi kiện CLB cũ, vốn đã bị giải thể.

Tóm lại, quyết định mới nhất của VFF lại nặng về tính hành chính mà không theo sát những thực tế của xã hội. Đây đâu phải là lúc mà các CLB bằng mọi giá phải mua cầu thủ để từ đó, “sợ” những ràng buộc từ VFF. Họ đang tránh những rắc rối tài chính. Đấy là lý do mà hàng loạt ngôi sao tại CLB bóng đá Hà Nội hay Navibank Sài Gòn đang đối diện với nguy cơ thất nghiệp.

* * *

Nhân chuyện này, mới thấy VFF có vẻ như ngày càng nặng tính hành chính, sự vụ, một trong những biểu hiện mà người ta cho rằng, tính “Nhà nước” đang mỗi lúc một đậm đặc hơn ở tổ chức xã hội nghề nghiệp này. Ví dụ mới đây, họ đề xuất sẽ dẹp bỏ chuyện chuyển đổi phiên hiệu bát nháo kể từ mùa bóng 2014 mà quên rằng, quyết định ấy ra đời quá muộn, khi các doanh nghiệp chẳng còn hứng thú đầu tư bóng đá. Mà đã không hứng thú thì chuyển đổi phiên hiệu làm gì!

Thật ra, có một yếu tố mà VFF nên làm quyết liệt, càng sớm càng tốt, xem đấy như là một trong những tiêu chí căn bản nhất, đầu tiên nhất để công nhận CLB chuyên nghiệp đó là khâu kiểm soát tài chính. Hãy nhớ rằng, ngay tại châu Âu hiện nay, dù đã phát triển bóng đá chuyên nghiệp từ rất lâu nhưng họ vẫn đề ra điều luật kiểm soát tài chính mới để ngăn chặn tình trạng phá sản tại các CLB. Trong khi đó tại Việt Nam, những cơ sở ban đầu hầu như còn chưa được thiết lập, lấy gì nói đến chuyện kiểm soát.

Nếu VFF đưa ra các yêu cầu tài chính minh bạch cho một CLB như: Vốn pháp định (hiện VFF chỉ mới đề ra yêu cầu vốn điều lệ), kiểm toán độc lập, sổ sách phải báo cáo hàng quý… thì trước mắt, họ sẽ ngăn ngừa được tình trạng mua bán cầu thủ bằng “giá khống” (giá cao nhưng ghi thấp), tránh phát sinh chi phí lót tay không thuế, bảo đảm những yêu cầu về an sinh cho cầu thủ… Ví dụ như một CLB chỉ có ngân sách chừng ấy, mà mua nhiều cầu thủ với giá cao thì VFF có thể yêu cầu giải trình nguồn tiền phát sinh có bổ sung vào vốn hay chưa. Không giải trình được thì không cho phép ký hợp đồng.

* * *

Từ bấy lâu nay, VFF không hề kiểm soát tài chính của các CLB. Đã không nắm rõ được “nguồn máu sống” cho một đội bóng thì làm sao đưa ra yêu cầu một CLB phải có 3 tuyến trẻ, phải có mức lương trần, mức lương sàn?! Theo đúng qui định của bóng đá chuyên nghiệp, ngoài ngân sách hoạt động một năm, còn phải có thêm ngân sách dự phòng đào tạo, chuyển nhượng, cơ sở vật chất… Tuy nhiên, nhiều CLB hiện nay kế hoạch thì có nhưng tiền trong tài khoản thì chưa có, cứ phải vừa đá vừa “chạy tiền”. Cứ như vậy thì làm sao bảo đảm chuyện lương thưởng cầu thủ, làm sao có tiền đào tạo trẻ…

Đấy là thực tế mà VFF phải theo sát để quản lý chứ không phải lâu lâu lại đưa ra các ý tưởng kiểm soát nặng mùi hành chính.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục