Những “chảo lửa” đi vào quá khứ

Kể từ khi K.Khánh Hòa chuyển giao đội bóng ra Hải Phòng, bóng đá miền Trung mất đi một “địa chỉ đỏ” từng gắn bó bao nhiêu năm với đội Phú Khánh, và sau này là bóng đá Khánh Hòa. Thêm vào đó, việc Bình Định, Huế xuống chơi giải hạng Nhất càng làm cho mảnh đất miền Trung vắng hẳn những “chảo lửa”. Những địa danh nổi tiếng như sân Chi Lăng, sân Vinh mùa này cũng không còn “lửa” bởi thành tích của SHB Đà Nẵng, SLNA không được như ý. Có chăng, chỉ còn sân Thanh Hóa nhộn nhịp mỗi cuối tuần khi thầy trò HLV Mai Đức Chung chơi thăng hoa.

Sân Chi Lăng sẽ phải bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư vào cuối tháng này. Ảnh: Hải Nam

Bây giờ, những thế hệ khán giả lớn tuổi ở miền Trung hẳn vẫn còn nhớ những trận cầu nảy lửa ngày xưa, khi các sân bóng ken chặt người bất chấp cái nắng như đổ lửa của miền Trung mỗi khi Sông Lam Nghệ Tĩnh đối đầu với Quân khu 4 hay Công nhân Quảng Nam - Đà Nẵng đụng độ Công nhân Nghĩa Bình… Giờ đây, tất cả đã trở thành quá khứ khi người hâm mộ có quá nhiều thú vui mỗi cuối tuần. Niềm vui của họ, giờ là những trận cầu đỉnh cao ở châu Âu, Nam Mỹ được trực tiếp dày đặc trên sóng truyền hình chứ không còn là những buổi cơm đùm, cơm vắt nhảy xe đò đi cả trăm cây số để xem đội nhà thi đấu.

Nếu nhìn nhận một cách thấu đáo, tình yêu bóng đá của người miền Trung vẫn không hề phai nhạt. Có chăng, nó đã thay đổi để thích nghi với thời cuộc. Họ không còn quá đam mê những trận cầu quốc nội, từ V-League đến hạng Nhất, khi các giải đấu đã quá nặng mùi kim tiền và chẳng còn mấy dấu ấn của địa phương, vùng miền. Đã vậy, những vụ tiêu cực, từ giới trọng tài cho đến đội bóng, cầu thủ liên tục bị phanh phui càng khiến cho người hâm mộ quay lưng với các giải đấu trong nước.

Đam mê của họ, giờ dành cho các trận cầu quốc tế, còn tình yêu bóng đá, là những giải đấu nghiệp dư. Nếu có dịp đến với các giải đấu xã, huyện ở dọc miền Trung không khó để thấy vẫn có cả ngàn người đội mưa, đội nắng cổ vũ cho những cầu thủ chân đất, vốn là con, là cháu trong nhà. Ngày thường, đó là thằng Tư làm gạch, thằng Tám thợ hồ… nhưng khi khoác lên mình màu áo của đội tuyển xóm, tuyển thôn, vẫn nhận được sự thương yêu, cổ vũ cuồng nhiệt của bà con chòm xóm.

Vắng dần khán giả, những “chảo lửa” của bóng đá miền Trung cũng chẳng còn “lửa”. Đã vậy, lần lượt từng sân bóng cũng bị “hóa kiếp” để phục vụ cho công cuộc chỉnh trang đô thị. Theo kế hoạch, cuối tháng này, sân Chi Lăng phải bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để xây dựng khu phức hợp thương mại. Trước đó, sân 19-8 (Nha Trang) cũng đã được UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý về mặt chủ trương sẽ giao cho doanh nghiệp để xây dựng khu công viên, bãi đỗ xe ngầm…

Cuộc đời, vốn dĩ “thương hải tang điền”, chẳng có gì tồn tại mãi mãi. Thế nhưng, nhìn những “chảo lửa” của người hâm mộ bóng đá miền Trung đang dần đi vào quá khứ vẫn không tránh khỏi cảm giác đắng nghét trong lòng.

Phi Hải

Tin cùng chuyên mục