Muốn thành công Man.United cần thêm một cái “đầu”

Erik ten Hag đang chứng minh ông là một sự lựa chọn đúng đắn cho băng ghế huấn luyện ở Old Trafford, nhưng nếu tiếp tục bị “trói tay trói chân” bởi những những sai lầm trên thị trường chuyển nhượng thì nhà cầm quân người Hà Lan dù có tài ba đến mấy cũng khó giúp Man.United tìm lại ánh hào quang xưa.
Erik ten Hag đang chứng minh là sự lựa chọn đúng đắn cho băng ghế huấn luyện ở Old Trafford.
Erik ten Hag đang chứng minh là sự lựa chọn đúng đắn cho băng ghế huấn luyện ở Old Trafford.

Chỉ còn một tuần nữa là kỳ chuyển nhượng mùa hè này kết thúc. Man.United mặc dù đã chi 150 triệu bảng cho 3 gương mặt mới, nhưng chắc chắn vẫn rất cần tăng cường đội hình hơn nữa. Trong một thế giới lý tưởng, họ cần ít nhất một thủ môn dự bị và một tiền vệ phòng ngự. Quỷ đỏ đang dần định hình được một thành phần cốt cán trong mùa giải thứ 2 của HLV Ten Hag, nhưng đội hình vẫn chưa thể bù đắp những thiếu sót cuối cùng. Mà lý do là vì không bán được những cầu thủ vốn đã từ lâu được xác định là thừa thải, nên họ khó mà mua thêm người.

Quỷ đỏ đã nói lời chia tay với một loạt cầu thủ ngoài lề như Nathan Bishop, Ethan Laird, Alex Telles, Zidane Iqbal, Anthony Elanga, Fred... Tuy nhiên, những cái tên được cho là “có giá” thì vẫn chưa có thay đổi khi Dean Henderson, Harry Maguire, Scott McTominay và Donny van de Beek hay Eric Bailly thì vẫn còn đó trong một thành phần chật chội lên đến 32 người. Trong đó, riêng Maguire và McTominay nếu “chốt” sớm cũng đã mang thêm về khoảng 60 triệu bảng…

Nhưng viễn cảnh tươi đẹp mà Giám đốc bóng đá John Murtough vẽ ra hiện vẫn chưa đến.

Nhưng viễn cảnh tươi đẹp mà Giám đốc bóng đá John Murtough vẽ ra hiện vẫn chưa đến.

Man.United chậm chạp trên thị trường đang được nhìn nhận là bởi hạn chế của Quy tắc công bằng tài chính. Nhưng, nếu sân Old Trafford được điều hành bởi những nhà quản lý thật sự giỏi, thì họ có lẽ đã có một tầm nhìn xa hơn thay vì chi ly từng đồng bảng trong đàm phán bán cầu thủ. Tính sơ sơ cho dù “bán đổ bán tháo” gần 20 cầu thủ chẳng còn tác dụng trong mùa hè này thì họ cũng đã thu về hơn 150 triệu bảng để làm nhẹ áp lực trong công tác tuyển quân. Và đẩy đi số lượng cầu thủ đó, cũng đồng nghĩa đã giảm đi quỹ lương cực lớn. Ví dụ, chỉ riêng sau khi Phil Jones, David de Gea, Fred ra đi và nếu có thêm Maguire, McTominay, Van de Beek thì họ đã tiết kiệm hơn 50 triệu tiền lương để làm đẹp sổ sách mùa giải này.

Mùa đầu tiên HLV Ten Hag đến, “họ” mất trắng Edinson Cavani, Jesse Lingard, Juan Mata, Nemanja Matic, Paul Pogba, Cristiano Ronaldo mà chẳng cần cái chớp mắt do dự. Khi đội đã thắng danh hiệu đầu tiên sau 6 năm, trở lại với Chamions League giàu có thì “họ” lại chi ly từ chút trên bàn thương thảo mà không quan tâm đội cần động lực mạnh mẽ để tiếp tục tiến lên. Man.United phải gánh chịu hậu quả từ sự quản lý và hoạch định chiến lược kém cỏi là điều đã được chỉ ra như lý do chính dẫn đến hơn một thập niên khủng hoảng. Đáng tiếc, nó vẫn đang diễn ra cho dù “thủ phạm” chính Ed Woodward đã rời đi gần 2 năm qua.

Giám đốc điều hành Richard Arnold (trái) và John Murtough rất ít xuất hiện cạnh nhau.

Giám đốc điều hành Richard Arnold (trái) và John Murtough rất ít xuất hiện cạnh nhau.

Về mặt địa lý, Man.United và Man.City chỉ cách nhau 4,3 dặm. Tuy nhiên, khi nói đến việc tuyển dụng và xây dựng đội hình, 2 câu lạc bộ này đang cách nhau… cả triệu dặm. Vì hậu quả của sự quản lý và hoạch định chiến lược kém cỏi mà nửa Đỏ giờ “uất hận” nhìn màu Xanh thống trị không chỉ ở thành phố, ở bóng đá Anh mà còn vươn đến châu Âu.

Bóng đá Anh nhiều năm nay chứng kiến Chelsea, Liverpool, Tottenham, Arsenal vươn mình mạnh mẽ. Nhưng Man.City chắc chắn là hình mẫu của tất cả về công tác quản lý và hoạch định chiến lược, đặc biệt từ khi Pep Guardiola đến trong mùa hè năm 2016. Pep không phải thiên tài để vừa đặt chân đến là thành công ngay lập tức, ông dù mua đến 8 cầu thủ mới nhưng vẫn chấp nhận mùa đầu tiên 2016-2017 thất bại toàn tập. Tuy nhiên, vào cuối mùa giải đó, 12 cái tên không phù hợp phải khăn gói rời đi, không biết bằng cách nào miễn là phải ra đi! Hướng ngược lại, Pep đã mang về thêm 6 ngôi sao.

“Bộ tứ siêu đẳng” làm nên thành công của Man.City gồm Giám đốc bóng đá Txiki Begiristain, Giám đốc điều hành Ferran Soriano, Chủ tịch Khaldoon Al Mubarak, và Pep.

“Bộ tứ siêu đẳng” làm nên thành công của Man.City gồm Giám đốc bóng đá Txiki Begiristain, Giám đốc điều hành Ferran Soriano, Chủ tịch Khaldoon Al Mubarak, và Pep.

Man.City khi đó bị chỉ trích dữ dội vì hơn 500 triệu bảng chi ra, nhưng đổi họ có một đội hình vững chắc để phục vụ cho phong cách chiến thắng của Pep. Quan trọng hơn là sau đó, mỗi mùa họ làm phần việc đơn giản là chỉ bổ sung thêm một ngôi sao mà Pep tin rằng có thể cải thiện đội hình: Riyad Mahrez (2018), Rodri, Joao Cancelo (năm 2019 bổ sung 2 ngôi sao vì Rodri đến thay Yaya Toure, và chuẩn bị cho sự ra đi của Fernandinho), Ruben Dias (2020), Jack Grealish (2021), Erling Haaland (2022)… Bằng công thức “đơn giản” đó, Pep đã mang về 14 danh hiệu, bao gồm 5 chức vô địch Premier League sau 6 mùa giải cùng Champions League đầu tiên, và chắc chắn Man.City này sẽ còn tiếp tục chiến thắng.

Pep may mắn có một Giám đốc bóng đá Txiki Begiristain hiểu và tin tưởng. Jurgen Klopp những năm đầu tiên may mắn được sự hỗ trợ bởi Giám đốc bóng đá Michael Edwards. Mikel Arteta đang nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ Giám đốc bóng đá Edu. Chừng mực nào đó, Mauricio Pochettino từng thành công ở Tottenham, và giờ khởi đầu tại Chelsea trong sự hậu thuẫn lớn từ các giới chủ. Tương tự là Eddie Howe ở Newcastle…

Còn với Erik ten Hag, cho dù Man.United có hoặc bao giờ sẽ đổi chủ thì chắc chắn, ông đang mơ sẽ có một ngày được làm việc cùng những cộng sự tuyệt vời như Sir Alex Ferguson huyền thoại từng có với Peter Kenyon, và sau đó là David Gill.

Tin cùng chuyên mục