Trong bảng xếp hạng sức mạnh của hãng thống kê Opta, một thước đo có giá trị tham khảo gần gũi hơn bảng xếp hạng FIFA, thì V-League chỉ đứng hạng 4 trong các giải vô địch quốc gia Đông Nam Á còn các CLB Việt Nam thì nằm ngoài top 10 khu vực. Đội bóng có thứ hạng cao nhất của Việt Nam là Hà Nội FC, hiện ở hạng 183 châu Á, đứng sau gần 20 đội thuộc khu vực Đông Nam Á.
Còn theo Traffermark, đội tuyển Việt Nam có tổng giá trị đội hình vào khoảng 5.7 triệu euro (giá chuyển nhượng cao nhất là Fillip Nguyễn, 600 ngàn euro), kém tuyển Malaysia (6.25 triệu), Thái Lan (9.6 triệu) và đặc biệt là Indonesia, đội đã đẩy tổng giá trị đội hình lên đến 10.8 triệu, sau khi nhập tịch 10 cầu thủ.
Có thể chúng ta cho rằng đây chỉ là những con số, không phải là năng lực thực tế. Nhưng hãy nhớ rằng, triều đại huy hoàng của HLV Park Hang-seo tại Việt Nam cũng bắt đầu từ các con số nghe có vẻ phù phiếm. Nhà cầm quân người Hàn Quốc khi đó chỉ “dám” nhận một chỉ tiêu: đưa Việt Nam vào lại top 100 FIFA sau 1 năm. Ông đã làm được, và những gì sau đó đã là lịch sử.
Con số thì chỉ là con số, nhưng trong những hoàn cảnh cụ thể, cho dù mang tính tương đối, thì chính các con số là thứ cụ thể nhất để có thể đánh giá năng lực bản thân. Không nền bóng đá phát triển nào lại đặt ra các mục tiêu kiểu như “đá đẹp, thua cũng được”. Trong bóng đá hiện đại, khi các con số thống kê đang là một phần không thể thiếu, người ta sẽ xác định phong cách chơi bóng thông qua số lần phạm lỗi, số thẻ, số lần đoạt bóng và những con số kỳ vọng ở bàn thắng, tình huống mở, cố định hay số đường chuyền. Tấn công đá đẹp, hay phòng ngự chơi xấu, đều có thể phản ảnh qua các con số. Một đội bóng chơi phòng ngự chủ động, nhưng nếu các con số về thẻ, phạm lỗi ít hơn đối thủ chơi tấn công, thì chính đội bóng phòng ngự ấy mới đang “chơi” bóng đá ‘có phong cách” chứ không phải là đội kia.
Trong khi đó, những thất bại của Việt Nam trong 2 năm trở lại đây gắn liền rất nhiều với các pha phạm lỗi, những tính huống VAR và sự sụt giảm nghiêm trọng về tỷ lệ kiểm soát bóng. Đơn cử như 4 trận đấu với Indonesia từ SEA Games đến nay, các đội tuyển Việt Nam đều có các thông số tệ hơn đối phương trong tấn công và nhiều hơn họ các thông số về kỷ luật. Chúng ta vẫn hay nói Indonesia hay đá xấu, bạo lực … nhưng dựa trên các con số, thì họ hoàn toàn không phải là đội bóng thắng bằng lối chơi tiêu cực.
Thế nên, cách chúng ta để thua Indonesia tại SEA Games 32, ở Asian Cup, vòng loại World Cup hay việc dừng chân ở U23 châu Á chỉ là những gì mà chúng ta đang có hiện tại. Lực bất tòng tâm, năng lực có hạn thì không thể đi xa, đó là góc nhìn sòng phẳng. Vấn đề còn lại là chúng ta thay đổi điều đó bằng cách gì? Vẫn là hô hào và những chỉ tiêu mang cảm tính, nhờ cậy yếu tố tinh thần hay thực sự nghiêm túc bắt tay vào cải thiện các con số không mấy tích cực ở đội tuyển, ở các giải quốc nội.