Tiến, lùi và giậm chân tại chỗ

Sau khi bóng đá Indonesia liên tiếp có những chiến thắng trước Việt Nam từ SEA Games 32 đến Asian Cup và sau đó là vòng loại World Cup 2026 vừa qua, đã có câu hỏi đặt ra: Họ tiến bộ hay là do chúng ta đã lùi lại?

Trong khi chưa thực sự có câu trả lời thì biện pháp đầu tiên mà bóng đá Việt Nam đưa ra, đó là chia tay với HLV Philippe Troussier.

Nhìn đội tuyển U23 Indonesia vượt qua U23 Hàn Quốc để vào bán kết, tràn trề cơ hội đoạt vé dự Olympic, một sự kiện mang tính lịch sử của bóng đá Đông Nam Á, có lẽ mọi thứ đã sáng tỏ. Làng cầu xứ Vạn đảo đã có một bước tiến rất dài. Không chỉ tái hiện cuộc hành trình chói sáng của U23 Việt Nam ở kỳ U23 châu Á 2018 mà thầy trò HLV Shin Tae-yong thậm chí còn để lại các dấu ấn đậm nét hơn.

Họ thắng 2 trận tại vòng bảng trước Australia và Jordan rồi đánh bại Hàn Quốc trên chấm luân lưu. Thất bại duy nhất của U23 Indonesia là trận mở màn trước đội chủ nhà Qatar, trận đấu có sự thiên vị khá rõ của trọng tài. Cũng cần nhớ rằng, đây là kỳ giải được tính thành vòng loại tranh vé dự Olympic nên các đội đều đưa đến đội hình mạnh nhất, khác hẳn kỳ giải U23 năm 2018. Điều này càng tăng giá trị cho các chiến thắng của Indonesia.

Nhớ lại thời điểm năm 2021, lúc bóng đá Indonesia giao toàn quyền cho HLV người Hàn Quốc từng cầm quân dự World Cup là Shin Tae-yong, đội tuyển quốc gia nước này còn thua Việt Nam đến 0-4 ở vòng loại World Cup 2022. Không nản lòng, Indonesia vẫn kiên trì với ông Shin Tae-yong, giao HLV này quản lý các đội bóng từ U20 đến đội tuyển. 3 năm đầu tiên, không có bất kỳ thành tích nào cho bóng đá Indonesia nhưng các tiến bộ thì dần xuất hiện như việc lọt vào chung kết AFF Cup 2020, đoạt HCV SEA Games, giành quyền dự Asian Cup 2023 sau đó vượt qua được vòng bảng. Họ cũng đang tràn trề cơ hội vào vòng 3 của vòng loại World Cup 2026…

Với sự hậu thuẫn của tỷ phú Erick Thohir, người từng sở hữu CLB Inter Milan và hiện đang là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Indonesia, các đội tuyển của Indonesia không lo lắng về nguồn tài chính đầu tư. Họ vận động để đăng cai U20 World Cup và khi bị tước quyền đăng cai thì tiếp tục nhận giải U17 World Cup. Indonesia cũng quyết liệt thực hiện chính sách nhập tịch cầu thủ trong thời gian ngắn để nâng chất lượng đội tuyển. Indonesia cũng không cần dừng giải vô địch quốc gia ở mỗi lần đội tuyển hay U23 tập trung. Có thể nói, bóng đá Indonesia thể hiện khá rõ tham vọng vươn tầm của mình theo những phương pháp hiện đại và quan trọng là thực hiện nó một cách triệt để với quyết tâm cao nhất.

Trở lại vấn đề: Indonesia tiến bộ thì phải chăng bóng đá Việt Nam thua kém họ là đương nhiên, không hẳn vì chúng ta đang lùi lại? Thực ra, cho dù không sa sút thì việc chỉ đứng yên một chỗ cũng đã đủ báo động. Chúng ta đã để lỡ mất “giai đoạn vàng” của mình ở 5 năm thành công dưới thời HLV Park Hang-seo. Trong quãng thời gian đó, số đội bóng dự các giải trẻ không tăng, số trận đấu cũng không tăng và tỷ lệ cầu thủ trẻ được sử dụng tại V-League giảm đến mức HLV Troussier phải nhiều lần than thở.

Bóng đá Indonesia đi sau, xuất phát cũng chậm nhưng cách họ tăng tốc thì rất đáng khen ngợi. Còn với bóng đá Việt Nam, liệu đã có giải pháp cụ thể nào không ngoài việc tìm một HLV trưởng mới?

Tin cùng chuyên mục