Một thị trường bị “bỏ trắng”

1. V-League vừa khởi tranh, đã có 2 sự kiện đáng chú ý: Thứ nhất là việc BTC sử dụng bóng của Grand Sports (Thái Lan) để thay thế bóng sản xuất trong nước của Động Lực. Thứ hai, đó là số tiền hỗ trợ cho các Hội CĐV đến từ Công ty VPF không tìm được điểm đến do sự tự phát của các hội, nhóm này.

Hội cổ động viên rất cần được CLB quan tâm, bởi đây còn là “cầu thủ thứ 12” của đội bóng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Từ đây, câu chuyện về kinh doanh trong bóng đá chuyên nghiệp lại được ‘xới” lên, lộ ra những khía cạnh hết sức nghiệp dư của bóng đá Việt Nam, lý giải phần nào những than thở “thiếu tiền” của các CLB.
Ví dụ như việc các Hội CĐV đa phần không thuộc quyền quản lý, điều hành hoặc chí ít là được công nhận bởi các CLB. Mối quan hệ tưởng chừng là “cật ruột” hóa ra lại mơ hồ vô cùng. Cũng vì lý do này mà ngoài Hoàng Anh Gia Lai, chưa có CLB nào tại V-League bán được vé xem bóng đá trọn mùa trên sân nhà, chưa bán được các vật phẩm thi đấu và cũng chẳng CLB nào có thể biết số lượng VĐV “ruột” của mình là bao nhiêu. Đây là lý do mà hoạt động thu hút quảng cáo của các CLB hầu như bị “bỏ trắng” do quyền lợi kinh doanh không bảo đảm được cho đối tác.
Cũng vì không có các CĐV của riêng mình nên các nguồn thu xung quanh sân bóng cũng chẳng có. Nếu như ở các giải vô địch quốc gia tiên tiến, người hâm mộ đến sân trước trận đấu 2-3 giờ để mua sắm, ăn uống, vui chơi thì tại Việt Nam, đến khi trận đấu đã diễn ra, vẫn còn khán giả chưa vào sân.

2. Điểm nhanh các sản phẩm chuyên tài trợ cho bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới, rất dễ thấy được mẫu số chung: Ngân hàng, thức uống (đặc biệt là bia), hàng tiêu dùng nhanh… Ngược lại, tại Việt Nam chủ yếu là bất động sản, xây dựng… Hàng tiêu dùng như mảng thực phẩm hầu như không có. Đáng tiếc nhất là các thương hiệu bia - mặt hàng rất phổ biến với các đối tượng liên quan đến thể thao. Sau Tiger Beer tài trợ cho V-League cách đây gần 20 năm thì thi thoảng chỉ có thêm Huda, Larue tài trợ khá ngắn hạn. Trong khi đó, một phép tính nhỏ cho thấy nếu bia được bán độc quyền bởi CLB trước các trận đấu thì hàng ngàn sản phẩm có thể được tiêu thụ chỉ trong vài giờ đồng hồ. Rất tiếc, xung quanh các sân bóng của Việt Nam, hầu như không có hoạt động tự doanh của các đội bóng và đương nhiên, các doanh nghiệp cũng chẳng có hứng thú tham gia tài trợ bóng đá.

Nhân chuyện Động Lực để “thua” trong vụ bóng thi đấu và tiền hỗ trợ của VPF không đến được tay các Hội CĐV, có thể thấy bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam không hề thiếu những nguồn tài trợ, kinh doanh để tăng các giá trị thương mại. Vấn đề vẫn nằm ở chỗ cách đánh giá về tiềm năng, những bộ óc chuyên kinh doanh “ăn theo” thể thao và bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải nhanh nhạy trong việc tham gia vào một thị trường khổng lồ ước tính lên đến hơn 1 triệu lượt người đến sân bóng và 5 triệu người theo dõi V-League qua các kênh truyền thông mỗi mùa giải.

ĐĂNG LINH

Tin cùng chuyên mục