Mong khu Rạch Chiếc sớm ra đời

Việc UBND TPHCM quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành TDTT TPHCM tới năm 2020, tầm nhìn tới 2025 là tín hiệu mừng với những người làm thể thao ở thành phố mang tên Bác. Người làm nghề luôn cho rằng TPHCM là 1 trong những đô thị lớn nhất cả nước thì TDTT cũng phải phát triển xứng tầm…

Việc UBND TPHCM quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành TDTT TPHCM tới năm 2020, tầm nhìn tới 2025 là tín hiệu mừng với những người làm thể thao ở thành phố mang tên Bác. Người làm nghề luôn cho rằng TPHCM là 1 trong những đô thị lớn nhất cả nước thì TDTT cũng phải phát triển xứng tầm…

Khu đất dành cho công trình liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc. Ảnh: T.L.

Từ giai đoạn 2008, dự án Khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc nằm ở Quận 2 (TPHCM) đã được lên kế hoạch triển khai. Với tổng diện tích 38ha (tính trên giấy tờ vào lúc đó), người làm thể thao ở TPHCM ngầm hiểu rằng thành phố sẽ đi đầu cả nước để có một trong những trung tâm TDTT hiện đại và rộng nhất. Tiếc rằng, qua ngần ấy thời gian, tới bây giờ, giấc mơ vẫn chưa thành hiện thực.

Nhìn sang các đơn vị khác, đặc biệt là so với TDTT của Hà Nội thì đúng là TDTT TPHCM đã đi chậm lại. Bởi lẽ, vào năm 2010, thể thao thủ đô đã khánh thành và đưa vào sử dụng cụm công trình dành cho đào tạo huấn luyện VĐV cấp cao của Hà Nội có tổng diện tích 55ha và đầy đủ các cơ sở hạ tầng phụ trợ xung quanh dành cho VĐV thể thao. Đó là niềm vui chung của cả ngành thể thao vì bất kỳ đơn vị nào nếu có được cơ ngơi khang trang cho HLV, VĐV thì là mừng.

Nhìn lại thể thao TPHCM, nỗ lực có được Trung tâm thể thao Rạch Chiếc vẫn đang mong từng ngày. “Tập trung quy hoạch, xây dựng và sớm đưa vào hoạt động Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao thành phố hiện đại; hoàn thành Khu Liên hợp thể thao Rạch Chiếc; nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở vật chất hiện có, các sân bóng đá và trung tâm TDTT quận, huyện; khuyến khích nhân dân xây dựng các công trình TDTT; mở rộng và nâng cao hiệu quả phong trào TDTT quần chúng tại cơ sở…” là một trong những mục tiêu cụ thể được đề ra tại Quy hoạch phát triển ngành TDTT TPHCM tới năm 2020, tầm nhìn tới 2025.

Nhiều người hiểu rằng, Quy hoạch phát triển TDTT không đơn thuần chỉ là thể thao thành tích cao mà còn thể thao quần chúng, phong trào. Mấu chốt quan trọng nhất là thể thao có cơ sở vật chất phù hợp và đầy đủ thì sẽ gia tăng được thêm nhiều người tạo động lực tập luyện. Thể thao là cho toàn dân, đó mới là cốt lõi ở tất cả những Quy hoạch.

Các Cơ sở vật chất ở các nhà thi đấu tại TPHCM đang dần xuống cấp. Ảnh: T.L.

* * *

Ngành thể thao đã đưa ra con số sau khảo sát là hiện cả nước có gần 600 công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế; 205 SVĐ có khán đài; 222 NTĐ có khán đài; 69 bể bơi có khán đài, 78 cụm sân thể thao khác, như trường bắn, sân quần vợt, công trình tổ chức thi đấu theo từng môn thể thao. Về sân tập luyện đang có 627 sân điền kinh; 3.003 nhà tập; 9.423 sân bóng đá 11 người và 462 bể bơi có kích thước 25x50m...

Nếu tính trên mặt bằng dân cư của 63 tỉnh thành trong cả nước, số cụm các công trình như vậy chưa hẳn đã nhiều. Thế nhưng, một trong những lưu tâm nhất là việc sử dụng và đưa vào vận hành các cơ sở vật chất sẽ như thế nào. Việc quản lý và sử dụng công trình TDTT chiếm số đông là chưa đạt hiệu quả cao. Nhất là mỗi tỉnh, thành có đặc thù riêng về phát triển kinh tế khác nhau. Vì thế, dẫn đến việc khai thác và sử dụng đối với các công trình TDTT thuộc các trung tâm TDTT cấp tỉnh hầu hết chủ yếu dành cho huấn luyện, đào tạo và tổ chức thi đấu thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp, chưa khai thác và phục vụ nhu cầu tập luyện cho nhân dân.

* SEA Games 31-2021 đang được ngành thể thao xây dựng Đề án tổ chức qua đó trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Quyết định thành phố nào được chọn làm địa điểm chính tổ chức sẽ có quyết định sau khi Đề án hoàn thiện và có thẩm định, xem xét từ các cơ quan cao nhất. Trong ý kiến chỉ đạo về xây dựng Đề án tổ chức SEA Games 31-2021, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án tổ chức, đồng thời yêu cầu không đầu tư xây dựng mới từ nguồn ngân sách nhà nước, chủ yếu tận dụng cơ sở vật chất sẵn có và nâng cấp, sửa chữa (nếu cần thiết).

* Quy hoạch thể thao TPHCM hướng tới “tập trung nâng cao nhận thức, đẩy mạnh thông tin, truyền thông; đẩy mạnh phát triển giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; tập trung đầu tư phát triển TDTT; hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý TDTT ở TPHCM; tập trung đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật thể dục thể thao và đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa TDTT; tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; thúc đẩy hợp tác quốc tế; tăng cường đầu tư tài chính cho phát triển TDTT” hy vọng hiệu quả hơn từ nay tới năm 2025.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục